Hiệu quả nguồn vốn chính sách từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW
Tạo sức lan tỏa để đưa chính sách đi vào cuộc sống
Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã tạo thành một “trụ đỡ” chính sách, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững. Tròn 1 thập kỷ đi vào đời sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Mỹ Tú. Đồng thời, NHCSXH huyện Mỹ Tú không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi nghèo khó, phát triển bền vững.
Hộ chị Thạch Mỹ Ngân ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, trước đây làm nghề mua bán rau, củ, quả ở chợ nông thôn nên cuộc sống gia đình khó khăn. Cuối năm 2022, gia đình chị Ngân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Mỹ Tú để chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Nhận được vốn trong tay, chị Ngân vui mừng cho biết: “Với 20 triệu đồng, gia đình tôi quyết định thuê 4.000m² đất ruộng để trồng sen lấy hoa, gương, củ, ngó sen. Sau hơn 3 tháng trồng, trung bình mỗi ngày tôi thu hoạch 30kg ngó sen, bán được gần 500.000 đồng”.
Cũng theo chị Ngân, nhờ nguồn vốn ưu đãi nên gia đình mới chuyển đổi ngành nghề sản xuất, cuộc sống dần trở nên khấm khá trong những năm gần đây. Giờ đây, gia đình chị đã tích lũy được nguồn vốn và dự kiến sẽ mua 2.000m² đất để tiếp tục mô hình trồng sen.
Không chỉ vậy, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà nhiều hộ gia đình có điều kiện cho con ăn học thành tài. Điển hình trong đó là ông Trịnh Ngẫu, ngụ ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Ngẫu phấn khởi cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi đã được vay vốn với số tiền 8 triệu đồng để hỗ trợ một phần chi phí lo cho đứa con lớn đi học đại học. Đến năm 2009, con thứ hai là cháu Trịnh Cương Duy thi đỗ đại học ngành Y khoa - Trường Đại học Y dược Cần Thơ, một lần nữa gia đình tôi tiếp tục được bình xét cho vay chương trình học sinh, sinh viên từ NHCSXH huyện Mỹ Tú với tổng số tiền được vay là 50,6 triệu đồng.
Sang năm 2013, tiếp tục được vay thêm cho con thứ ba đi học đại học với số tiền 16,8 triệu đồng. Tiếp đó đầu năm 2014, tôi lại tiếp tục vay vốn cho đứa con thứ tư với số tiền 38 triệu đồng. Tổng số tiền mà gia đình tôi được vay vốn từ chương trình học sinh, sinh viên để cho 4 đứa con đi học đại học cuối năm 2016 hơn 113 triệu đồng. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ vốn vay từ NHCSXH mà các con tôi đã an tâm học tập, đỗ đạt, nối tiếp nhau ra trường có việc làm ổn định, phụ giúp thêm cho ba mẹ lo thêm cho các em được tiếp tục học hành”.
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
NHCSXH huyện Mỹ Tú có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện trong chỉ đạo, thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư vốn chính sách trên địa bàn; phối hợp các ban ngành liên quan trong việc phối hợp lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương với đầu tư tín dụng chính sách. Ngoài ra thực hiện các nghiệp vụ huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn ủy thác của địa phương, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: Từ năm 2015, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Mỹ Tú ban hành các công văn, văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy địa phương. Tập trung nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH…
Kết quả, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, hoạt động của NHCSXH nói riêng trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên. Các cấp ủy đảng xác định NHCSXH là một trong những công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để NHCSXH, UBND, các ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động.
Mặc dù điều kiện huyện Mỹ Tú còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm, HĐND huyện luôn xem xét đưa vào nghị quyết để bố trí một phần ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH huyện cùng thực hiện mục tiêu chung đảm bảo nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, với tổng nguồn vốn đến nay trên 10,7 tỷ đồng, tăng trên 9 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Nguồn vốn chính sách ngày càng khẳng định và phát huy hiệu quả to lớn; vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1.600 lượt hộ; giúp hơn 500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp hơn 700 hộ nghèo và 1.600 hộ cận nghèo, 5.900 hộ mới thoát nghèo và hơn 1.400 hộ có vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; xây mới và sửa chữa hơn 6.500 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, có 17 hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội và hỗ trợ cho 6 đối tượng chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều đó đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả công tác chỉ đạo đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; các hội, đoàn thể nhận ủy thác từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác với NHCSXH.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn huyện Mỹ Tú, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài và ảnh Quang Bình
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW góp phần đổi thay cuộc sống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk
- » Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
- » Tín dụng chính sách xã hội đưa Việt Nam thành hình mẫu về giảm nghèo
- » Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Tổng kết Chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
- » Kỳ 4 - Niềm tin và khát vọng vươn lên
- » Kỳ 3 - Hành trình lan tỏa yêu thương