Động lực giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao Tây Bắc

20/09/2016
(VBSP News) Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển và thay đổi tích cực. Cùng với các Bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Bắc, NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển vùng Tây Bắc của Đảng và Chính phủ để tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.
Việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng cao Tây Bắc Ảnh: Tuấn Ngọc

Việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng cao Tây Bắc
                                                                                                              Ảnh: Tuấn Ngọc

Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng cho người nghèo

Tây Bắc là địa bàn chiến lược của đất nước nhưng cũng là vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước. Nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; địa hình phức tạp, núi non hiểm trở chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; khí hậu tương đối khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp, canh tác còn lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp; nhiều nguồn lực và lợi thế của vùng chưa được khai thác và phát huy; nhiều huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (có 45/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ); tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 34,58%), diện cận nghèo và tái nghèo lớn…

 

Ở vùng khó khăn nhất cả nước, việc triển khai tín dụng chính sách cũng khó khăn hơn bội phần. Tuy nhiên, với định hướng chiến lược của Đảng, phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, NHCSXH, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, sự phối hợp chặt chẽ của Ban chỉ đạo Tây Bắc, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, huyện, xã trong khu vực; và đặc biệt là sự hưởng ứng, nỗ lực cố gắng của chính bản thân hộ nghèo và đối tượng chính sách, đã triển khai bước đầu thành công tín dụng chính sách, góp phần thiết thực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Bắc.

Để “phủ sóng” tín dụng đến toàn vùng, NHCSXH đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức màng lưới đến tất cả các tỉnh, huyện và đặc biệt đã xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên 2.530 Điểm giao dịch xã; phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương thành lập 38.300 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản, qua đó chuyển tải 44.917 tỷ đồng cho trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế.

“Với cách thức tổ chức này, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi trực tiếp tại địa bàn sinh sống một cách thuận lợi; các tổ chức đoàn thể thu hút được hội viên, quan hệ giữa người dân với chính quyền và ngân hàng ngày thêm gắn bó. Giao dịch trực tiếp tại xã là cách làm sáng tạo, thân thiện, gần dân; giúp người nghèo tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất với chi phí thấp nhất”, ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu khẳng định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc trong 5 năm qua đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Bắc; trong đó, có gần 360 căn nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (Thanh Hóa và Nghệ An)…; góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 tại vùng Tây Bắc giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).

Theo đánh giá của Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, Trương Xuân Cừ, thời gian qua tín dụng chính sách được NHCSXH thực hiện có tác động hết sức tích cực, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của cả vùng Tây Bắc. Bởi Tây Bắc là vùng khó khăn nhất cả nước, nên tín dụng chính sách có ý nghĩa rất lớn. Trước hết về mặt kinh tế, từ một vùng mà tỷ lệ nghèo rất cao, các hộ rất khó khăn trong việc ổn định đời sống xã hội. Và từ tín dụng này đời sống sản xuất giúp cho đồng bào vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống, giảm nghèo và thoát được nghèo.

Vẫn còn những khó khăn

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 40%, cao nhất cả nước. Nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay.

Nhằm khắc phục các khó khăn trên, giai đoạn 2016 - 2020 NHCSXH tiếp tục bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tại vùng Tây Bắc trong mọi mặt hoạt động của NHCSXH; tiếp tục chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban ngành, trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhân rộng các điển hình tiên tiến, dẫn dắt, tương trợ giúp đỡ sử dụng vốn tín dụng chính sách có hiệu quả. Duy trì và phát huy chất lượng Điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay, tạo môi trường giao dịch thuận tiện.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi tiền vay; thực hiện công khai các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiếu số vùng Tây Bắc… tiếp cận dễ dàng với nguồn vồn tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác