Cuộc sống mới trên vùng cao Mù Cang Chải
Mù Cang Chải, với 96% là đồng bào DTTS (chủ yếu là người Mông), giờ đây đã xuất hiện những cung đường xuống xã, về bản được mở rộng, bê tông hóa bằng phẳng, xanh mát bóng cây. Tuy vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng khát vọng thoát nghèo của đồng bào nơi đây đã và đang được đánh thức bằng việc thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, những chương trình, dự án giảm nghèo được địa phương triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều của huyện đạt 12,42%, bằng 114% kế hoạch được giao. Cuộc sống của đồng bào DTTS cũng ngày một ấm no, tươi sáng. Mục tiêu phấn đấu của huyện là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, trở thành huyện du lịch với điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện và đến năm 2025 cơ bản ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Đây là kết quả của việc huyện đã đổi mới cách tiếp cận, đưa hộ nghèo trở thành chủ thể thực sự của chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt chú trọng việc huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, nhất là tập trung nguồn vốn chính sách, ưu tiên đầu tư kịp thời, đúng đối tượng, trúng mục tiêu cho công tác giảm nghèo…
Thành quả đạt được trên vùng núi cao Mù Cang Chải, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng thực hiện tích cực của đồng bào các dân tộc, thì không thể không kể đến sự đóng góp của NHCSXH huyện suốt 22 năm qua, góp phần hỗ trợ hiệu quả huyện hoàn thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc NHCSXH huyện Bùi Văn Hóa chia sẻ: Đơn vị bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, chi nhánh NHCSXH tỉnh và lãnh đạo địa phương, đã dốc sức, đồng lòng thực thi nhiệm vụ, tập trung huy động nguồn lực và chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách về tận làng bản, đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn chính sách tại đơn vị đạt gần 470 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 99,4% kế hoạch giao.
NHCSXH huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn. Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là NHCSXH, đồng thời cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, trong đó có 10,6 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang đã được NHCSXH huyện Mù Cang Chải chuyển về đúng các đối tượng thụ hưởng thông qua 14 Điểm giao dịch xã, với 188 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn bản, cụm dân cư, giúp người dân có vốn chủ động tổ chức sản xuất, tạo nguồn thu thập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Minh chứng sinh động tại xã Chế Cu Nha, nhờ đồng vốn ưu đãi, đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, tập hợp những phụ nữ người Mông trong xã khôi phục nghề dệt, nghề vẽ hoa văn trên sáp ong để bán cho khách du lịch, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Lý Thị Ninh - Tổ trưởng tổ thêu dệt ở bản Dề Thắng phấn khởi: Phụ nữ người Mông hôm nay không những biết sử dụng vốn vay ưu đãi biết thêu thùa, dệt sợi, mà còn biết cách làm giàu bằng cách hướng dẫn phục vụ du khách ngắm ruộng bậc thang đấy.
Còn ở bản Hua Khắt, xã Nặm Khắt, có ông Thào A Phổng, đã vay vốn chính sách phát triển được trang trại chăn nuôi lợn rừng, kết hợp với trồng cây ăn quả, mỗi năm thu lợi hơn 200 triệu đồng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở Mù Cang Chải đã đạt được những thành tựu lớn lao. Những cán bộ tín dụng chính sách vùng núi này sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu, phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Minh Uyên
Các tin bài khác
- » 10 năm thực hiện Chị thị số 40-CT/TW giúp người dân Hải Dương thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững ở Hà Nam
- » Tiếp sức cho công cuộc giảm nghèo bền vững ở huyện Đakrông
- » Thắp sáng ước nguyện hoàn lương
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cầu nối” của tín dụng chính sách
- » Giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội
- » Chính sách tín dụng ưu đãi giúp trên 58.000 hộ thoát nghèo tại Kiên Giang
- » Tỉnh Quảng Ninh tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » “Trụ đỡ” thúc đẩy an sinh xã hội ở Quảng Ninh
- » Trà Vinh khen thưởng 58 tập thể và cá nhân qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW