Cùng học sinh, sinh viên đến trường
Chắp cánh cho những ước mơ
Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng các con của bà Nguyễn Thị Ái Hậu, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh vẫn học hành chăm chỉ và đỗ vào các trường đại học. Vì không có tiền, nhiều khi bà Hậu đã suy nghĩ không thể cho con tiếp tục theo học các trường này. Tuy nhiên, nhờ gói vay ưu đãi dành cho HSSV của NHCSXH, các con của bà đã tiếp tục con đường học hành.
Bà Hậu tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Chồng tôi không may bị bệnh nặng và không thể đi làm được nên kinh tế gia đình một mình tôi phải gánh vác. Cả gia đình sống dựa chủ yếu vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gà, lợn. Thu nhập bấp bênh nên nhiều năm liền gia đình tôi đều nằm trong danh sách hộ nghèo của xã”.
Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nên hai con của chị Hậu là em Nguyễn Thị Thu Phương và Nguyễn Thị Thu Thanh đều chăm ngoan học giỏi. Nhờ học hành chăm chỉ, em Phương đã thi đỗ vào trường Đại học Y dược - Đại học Huế và em Thanh thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội. Biết tin con đỗ đại học, bà Hậu vừa mừng vừa lo khi không biết lấy tiền đâu để cho các con đóng học phí.
“Ngày các cháu nhập học, tôi đã bán hết bầy lợn trong nhà để gom tiền cho con nhập học và mượn thêm tiền bà con nhưng vẫn không thể nào đủ. Với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều lúc tôi đã nghĩ đến việc cho các con nghỉ học để đi làm phụ giúp kinh tế”, bà Hậu chia sẻ.
May mắn thời điểm đó, bà đã được chị em trong Hội Phụ nữ thôn tư vấn về chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH. Nhờ sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ thôn, của Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình bà Hậu được vay tổng số tiền 118 triệu đồng cho cả 2 người con trong suốt thời gian học đại học và được chia thành từng kỳ, 6 tháng được nhận 1 lần. Số tiền nhận được từng kỳ, bà Hậu đã gửi vào cho các con đóng tiền học phí và trang trải sinh hoạt.
Nói về tính nhân văn mà chương trình vay đã mang lại cho gia đình, bà Hậu xúc động: “Số tiền mà tôi vay được có ý nghĩa rất lớn đối với các con tôi. Nhờ có chương trình vay vốn này mà con tôi được tiếp tục theo học đại học và có được thành công như ngày hôm nay. Hiện tại, 2 người con của tôi đã tốt nghiệp đại học và đều có việc làm ổn định. Sau khi ra trường, các cháu cũng đã đi làm và tích cóp tiền để phụ giúp mẹ trả lãi, trả nợ gốc định kỳ. Nhờ đó gia đình tôi đã trả nợ trước hạn nên được hưởng chế độ giảm lãi”.
20 năm cùng HSSV đến trường
Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn là chương trình được triển khai theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng HSSV. Đây là chương trình ý nghĩa thể hiện tính nhân văn và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tại tỉnh Quảng Bình, chương trình tín dụng ưu đãi này đã giúp hàng nghìn HSSV hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được theo học các trường trung cấp, cao đẳng và đại học.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, chi nhánh được nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng, trong đó có chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, chi nhánh đã được triển khai hiệu quả chương trình này trong suốt 20 năm qua, tạo điều kiện cho hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn để tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Để phù hợp với thực tế, hiện nay, Chính phủ cũng đã có mức điều chỉnh vay để phù hợp với tình hình kinh tế, cụ thể: Phó Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, mức vay điều chỉnh tối đa 4 triệu đồng/tháng/HSSV, tăng 1,5 triệu đồng so với trước đây.
Bố Trạch là một trong những địa phương có dư nợ chương trình tín dụng cho vay HSSV cao của tỉnh. Nhờ đó đã giúp nhiều em HSSV trên địa bàn huyện hoàn thành các chương trình học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cho lao động địa phương. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Mai Ngọc Sơn, với mức vay hiện tại, nhiều em HSSV có hoàn cảnh khó khăn sẽ yên tâm để học tập. Những năm qua, nguồn vốn từ chương trình cho vay này đã giúp hơn 11.131 HSSV là con của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn về tài chính có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Nhiều em sau khi ra trường đã tìm được công việc ổn định và phụ giúp gia đình hoàn trả số tiền đã vay.
Theo thống kê của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, đến nay, doanh số cho vay chương trình HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt 1.148 tỷ đồng với hơn 63.000 lượt HSSV vay vốn. Doanh số thu nợ là 1.093 tỷ đồng. Dư nợ là hơn 56 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,3% tổng dư nợ, với 1.545 hộ đang vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn 0,5%.
Bài và ảnh Đoàn Nguyệt
Các tin bài khác
- » Tổng Bí thư: Đồng bằng sông Hồng cần phát huy vai trò là vùng "động lực phát triển hàng đầu"
- » Thành quả 20 năm hợp tác giữa NHCSXH và Viện nghiên cứu chính sách - Bộ Tài chính Nhật Bản
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài cuối: Góp sức xây dựng nông thôn mới)
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 2: Xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất giỏi)
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định (Bài 1: Tạo mọi nguồn lực giúp dân thoát nghèo)
- » Những mầm xanh ở miền gió cát
- » Dấu ấn tín dụng chính sách vùng cao Than Uyên
- » Kịp thời tiếp sức vùng đồng bào DTTS và miền núi
- » Niềm vui trong những tổ ấm được xây từ nguồn vốn ưu đãi
- » Hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Sở Giao dịch NHCSXH