Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

16/04/2024
(VBSP News) Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
dt_1242024958_555

Nhờ được vay vốn chính sách, gia đình ông Bùi Văn Thu ở xóm Kho, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn đã thoát nghèo

Gia đình bà Hà Thị Hiềng ở xóm Lọng, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu là một trong số hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vượt lên đói, nghèo nhờ điểm tựa là tín dụng chính sách xã hội. Ngược về quá khứ cơ hàn, bà Hiềng không thể quên được những năm tháng ăn bữa nay, lo bữa mai, nhà cửa tạm bợ không đủ che mưa, che nắng.
Nhưng rồi tín dụng chính sách xã hội hiện diện, gia đình bà và các hộ khác đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để bắt đầu hành trình vượt khó. Bà Hiềng nhớ lại, khi được vay vốn, gia đình đã mua bò để phát triển chăn nuôi. Do điều kiện chăn thả thuận lợi, đàn bò lớn nhanh, mỗi năm đều sinh sản nên dần dần gia đình tích cóp được vốn. Sau nhiều năm chăn nuôi bò, kinh tế của gia đình ổn định hơn và chính thức thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bà Hiềng chia sẻ: “Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã giúp gia đình có được cuộc sống như ngày hôm nay. Từ nuôi bò mà dần dần có tích luỹ, dựng được nhà mới, kinh tế ổn định hơn. Hiện nay, sau khi thoát nghèo, gia đình tôi tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn hộ mới thoát nghèo, vay vốn NS&VSMTNT. Đây là nguồn vốn quý giá đối với người dân ở vùng khó khăn như chúng tôi”.
Hiện nay, gia đình bà Hiềng đã nuôi 5 con bò và có 1 ao nuôi cá. Nhờ đó mà có được nguồn thu nhập khá ổn định. Bà đang bàn bạc với gia đình vay thêm vốn tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài gia đình bà Hiềng, ở xã Vạn Mai hiện có gần 500 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 22 tỷ đồng.
Về xã vùng sâu Chí Đạo của huyện Lạc Sơn cũng không khó để tìm những hộ đã vượt lên đói, nghèo nhờ điểm tựa là nguồn vốn chính sách. Như gia đình ông Bùi Văn Thu ở xóm Kho, hơn 10 năm trước còn loay hoay trong cái nghèo. Từ khi được vay vốn chính sách gia đình đã có bước đi vững chắc để vươn lên, với hướng đi là nuôi bò sinh sản.
Khi được vay vốn hộ nghèo từ NHCSXH, gia đình ông Thu đã tập trung nuôi bò sinh sản. Sau này, khi thoát khỏi hộ nghèo, gia đình tiếp tục được vay vốn NHCSXH chương trình cho vay hộ cận nghèo, rồi vay vốn chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Nhờ đó mà gia đình có thêm vốn để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình ông Thu đã thoát nghèo, ngôi nhà sàn cũ xuống cấp ngày nào đã được thay thế bằng nhà xây mái bằng khang trang.
“Vay vốn của NHCSXH được lợi nhiều mặt, đó là thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất cho vay phù hợp. Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của cán bộ tín dụng và tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác vốn. Các hoạt động tập huấn được tổ chức chính trị - xã hội đã giúp người dân có thêm kiến thức phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó mà đồng vốn vay được sử dụng hiệu quả, kinh tế gia đình tôi ngày một được ổn định hơn”, ông Thu chia sẻ.
Có thể nói, với việc triển khai đa dạng các chương trình tín dụng, mức vay được nâng cao hơn so với trước, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là “bà đỡ” cho công cuộc giảm nghèo của gia đình bà Hiềng, ông Thu và hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách với trên 8,8 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng chính sách chi nhánh đang triển khai đạt 4.943 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách tiếp tục là động lực quan trọng cho gần 101,9 nghìn hộ dân trong hành trình vượt lên khó khăn, cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Các tin bài khác