“BÀ ĐỠ” CỦA NGƯỜI NGHÈO Ở THAN UYÊN: Cán bộ ngân hàng cùng các tổ chức hội, đoàn thể giám sát sử dụng vốn hiệu quả

02/01/2013
(VBSP) Trong niềm vui của mùa Xuân sắp đến, Tết Nguyên đán sắp về, nhiều hộ dân ở huyện Than Uyên không thể quên và họ luôn nhắc tới “bà đỡ” giúp họ vượt qua cái đói, cái nghèo - Phòng giao dịch NHCSXH huyện Than Uyên (Lai Châu).
Bà Lò Thị Mẳn: Có nước sạch về người dân vui lắm

Bà Lò Thị Mẳn: Có nước sạch về người dân vui lắm

 “Phải yêu nghề mới trụ lại được”

Năm 2004, sau khi tách huyện Than Uyên cũ ra thành hai huyện Than Uyên và Tân Uyên, cái tên NHCSXH huyện Than Uyên cũng ra đời để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các đối tượng chính sách ở địa phương. Những kỷ niệm sau 8 năm hoạt động của “ngân hàng nghèo” cứ dâng đầy trong lòng vị Giám đốc NHCSXH huyện Than Uyên, Nguyễn Thọ Hưng.

Bên ấm trà nóng với chúng tôi, ông Nguyễn Thọ Hưng nhớ lại: khi mới thành lập, NHCSXH huyện Than Uyên nhận bàn giao từ Phòng giao dịch cũ vẻn vẹn chỉ 21 tỷ đồng dư nợ, 3 cán bộ, còn trụ sở thì phải đi mượn, phục vụ 2 chương trình cho vay giải quyết việc làm và cho vay hộ nghèo. Khó khăn chồng chất, nhưng bằng sự yêu nghề của những cán bộ ngân hàng, đến nay NHCSXH Than Uyên đã không ngừng lớn mạnh, dư nợ đạt mức 138 tỷ đồng, với 9 chương trình cho vay. Trong đó, riêng chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ 71 tỷ đồng, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 35 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên 8,9 tỷ đồng… Giải thích lý do dư nợ cho vay hộ nghèo khá cao, ông Nguyễn Thọ Hưng tâm sự, huyện Than Uyên có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, chẳng hạn năm 2008 còn tới 50,8%. Giám đốc Nguyễn Thọ Hưng nói: “Từ Hà Nội lên đây phải mất cả ngày trời đi bằng đường bộ, giao thương hàng hóa khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn khoảng 34%. Song với một tỉnh miền núi, đó đã là một kỳ tích và nguồn vốn của NHCSXH chỉ góp một phần nhỏ vào công cuộc xóa nghèo của địa phương”.

Quả thật, làm công tác tín dụng ưu đãi ở những vùng sâu, vùng xa không đơn giản chút nào. Với mỗi cán bộ tín dụng NHCSXH, công việc của họ không chỉ cho người dân vay là xong, mà còn phải tham gia cùng các tổ chức hội, đoàn thể để tiện giám sát việc sử dụng vốn vay của người dân. Theo ông Nguyễn Thọ Hưng, do trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp, nên các tổ chức hội, đoàn thể cùng với NHCSXH phải tích cực tuyên truyền mới mong thay đổi nếp nghĩ của người dân, giúp họ tích cực chăn nuôi, sản xuất hiệu quả. Đi vào xã Tà Hừa, cách trung tâm huyện gần 60km thì mới thấy sự vất vả của cán bộ tín dụng vùng cao. Đây là xã giáp với huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La, đường sá đi lại khó khăn, nhiều hôm thời tiết mưa rét, cán bộ ngân hàng phải ngủ lại với dân bản. “Nếu cán bộ ngân hàng không yêu nghề sẽ khó trụ lại được đất này- ông Hưng chia sẻ.

Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% - 5%

Kể về những câu chuyện xóa nghèo thì chẳng bao giờ có thể hết được ở cái huyện miền núi này. Biết chúng tôi muốn đi thực địa, Giám đốc Nguyễn Thọ Hưng nhiệt tình dẫn đường xuống xã Mường Cang (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu).

Tay bắt mặt mừng đón chúng tôi, ông Lò Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cang cho biết, nguồn vốn của NHCSXH mang lại hiệu quả rất rõ. Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp và sản xuất chăn nuôi với các loại cây như lúa, ngô, lạc, tương. Nhờ nguồn vốn này, cùng với sự lao động cần cù của người dân nên tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% - 5%. Chủ tịch Hội nông dân xã Mường Cang, Lò Văn Cương cho biết thêm, do nguồn vốn ngân hàng có vai trò rất quan trọng và đặc biệt cần thiết với người dân, đối tượng muốn vay vốn cũng nhiều nên việc bình xét hộ được vay vốn phải làm rất chặt chẽ. Việc đánh giá, bình xét hộ nghèo, nhiều lúc “căng” tới mức phải tổ chức bỏ phiếu giữa các thành viên trong thôn, bản để lựa ra hộ nghèo chính xác nhất. “Có xác định đúng hộ nghèo thì nguồn vốn của NHCSXH mới đến đúng được địa chỉ và phát huy hiệu quả của tín dụng ưu đãi” - Chủ tịch Hội PN xã Mường Cang, Cầm Thị Xuấn tiếp lời.

Khi đến thăm hộ gia đình ông Hà Văn Thích, bản Nà Chằm, Mường Cang, chúng tôi hơi bất ngờ bởi ngôi nhà không lớn nhưng khá ngăn nắp và sạch sẽ với công trình nước sạch, vệ sinh đầy đủ. “Tất cả là nhờ vốn tín dụng chính sách đấy các anh ạ” - ông Hà Văn Thích hồn nhiên nói. Cách đây hai năm, gia đình ông Thích được vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo của NHCSXH để mua trâu nái, nh chịu khó chăm bẵm, đàn trâu sinh sôi nảy nở, anh Thích bán mấy lứa nghé thì dựng được nhà. Ngoài ra, NHCSXH còn cho gia đình vay 8 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cũng ở bản Nà Chằm, hộ gia đình bà Lò Thị Mẳn cũng được NHCSXH cho vay vốn xây dựng công trình nước sạch. “Trước đây gia đình phải đi gùi nước tít trên khe núi, nhưng bây giờ có công trình nước sạch, có đường ống dẫn nước về, người dân rất vui. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH nhiều lắm” - Bà Lò Thị Mẳn xúc động nói.

Theo đánh giá của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xã Mường Cang, đến nay dư nợ cho vay của NHCSXH tại xã này đã đạt 21,7 tỷ đồng. Với nguồn vốn ưu đãi của Đảng và Nhà nước, chắc chắn đời sống người dân Mường Cang nói riêng và huyện Than Uyên sẽ ngày càng thay đổi.

Bài và ảnh Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác