Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài cuối: Để không ai bị bỏ lại phía sau)

02/11/2020
(VBSP News) Sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị đã tạo sức lan tỏa của các chương trình tín dụng chính sách. Tuy nhiên, mục tiêu giảm nghèo bền vững luôn đối diện với những khó khăn và đòi hỏi Chỉ thị số 40 phải là điểm tựa vững chắc cho tín dụng chính sách.
Hộ nông dân Nguyễn Văn Trước, ấp Mỹ Chánh, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang sử dụng hiểu quả vốn vay ưu đãi để phát triển nuôi thủy sản

Hộ nông dân Nguyễn Văn Trước, ấp Mỹ Chánh, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang sử dụng hiểu quả vốn vay ưu đãi để phát triển nuôi thủy sản

Bài học kinh nghiệm

Là hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đòi hỏi thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả tín dụng chính sách xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình -  Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị số 40 thì tại địa phương đó đạt kết quả rất tích cực.

Việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40 chính là làm tốt công tác dân vận tại cở sở nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhận thức đúng đắn mục tiêu, phương pháp thực hiện sẽ là cơ hội để tận dụng hiệu quả tín dụng chính sách trong đầu tư cho người nghèo thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngược lại, nhận thức chưa đầy đủ sẽ tạo áp lực về nguồn lực cho địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn.

Kinh nghiệm cho thấy, việc nhận thức đầy đủ và tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay cũng như các bài học thất bại trong các địa phương sẽ giúp tín dụng chính sách xã hội thực sự là một nguồn lực quan trọng cùng với các nguồn lực khác góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những thành tựu đạt được, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Nguy cơ tái nghèo luôn rình rập bởi thiên tai, lũ lụt. Trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho giảm nghèo đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên nhưng còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, nguồn lực cho các chương trình tín dụng ưu đãi còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn bổ sung cho các chương trình tín dụng chính sách tại một số thời điểm chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc triển khai cho vay.

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, tình hình dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng đặc biệt khó khăn.

“Trong bối cảnh đó, phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Muốn vậy phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội”, đồng chí Trần Quốc Vượng nói.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình. Đồng thời, cần nhận thức sâu sắc, thực hiện thật tốt Chỉ thị 40, coi đó là một trong những giải pháp thiết thực hiệu quả để góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội các cấp.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ và hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách. Đồng thời, cần mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp, doanh nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Đỗ Huyền

Các tin bài khác