Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm

17/06/2020
(VBSP News) Thời gian qua, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH tỉnh Kon Tum đã phát huy hiệu quả, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
kon tum

Vườn rau VietGap của ông Nguyễn Duy Điệp ở tổ 4, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum (Kon Tum)

Về thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy hỏi thăm ông Vũ Mạnh Khải hầu như ai cũng biết, bởi ông đang rất thành công với mô hình trang trại tổng hợp trồng cà phê, cao su và chăn nuôi heo, gà tại xã Ya Xiêr.
Cũng như nhiều nông dân khác, cuộc sống của gia đình ông Vũ Mạnh Khải từng gặp vô vàn khó khăn trong ngày đầu đến lập nghiệp tại Sa Thầy. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH, ông Khải đã biết cách tận dụng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi này để vươn lên làm giàu.
Sau khi vay vốn chính sách, gia đình ông Khải chắt chiu tích cóp lợi nhuận thu được từ nuôi heo, nuôi gà, theo kiểu “tích tiểu thành đại”, đầu tư mua đất mở rộng vườn trồng cao su, cà phê, rồi lập trang trại. Từ một khu vườn nhỏ, giờ ông đã sở hữu trang trại gần 24ha; trong đó có đến 17ha cao su, 4ha cà phê, 2ha cây ăn quả, còn lại là ao cá, chuồng trại với gần 100 con heo địa phương, hàng trăm con gà sao. Mô hình trang trại của ông được xem là một trong những mô hình trang trại tổng hợp hiệu quả nhất của huyện Sa Thầy, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ban đầu, gia đình ông chỉ vay 2 triệu đồng của NHCSXH để trồng cà phê hồi năm 2007. Từ nửa héc ta cà phê, qua nhiều lần thu hoạch rồi lại trả ngân hàng, ông mở rộng lên 2ha. Sau đó, ông Bình tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm để trồng thêm bời lời, cây ăn quả. Diện tích 2ha cà phê của ông cùng các cây bời lời, cây ăn quả đã mang lại cho ông có nguồn thu nhập ổn định. Nếu trừ các chi phí nhân công, phân bón thì thu nhập từ hai loại cây trồng trên mỗi năm được gần 100 triệu đồng.
Dõi theo từng dòng vốn ưu đãi về giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh, tại TP Kon Tum đã có một số mô hình chuyển hướng sản xuất thoát nghèo vươn lên làm ăn khá. Như ông Nguyễn Duy Điệp ở tổ 4, phường Thắng Lợi vay 50 triệu đồng của NHCSXH tỉnh để sản xuất rau an toàn VietGap với diện tích 3.000m². Lúc đầu, việc tiêu thụ rau của ông gặp khó khăn, nhưng sau đó có 5 trường học bán trú của thành phố đăng ký lấy hàng ổn định. Đến nay, ông đã trả gần hết số tiền vay từ NHCSXH và tiết kiệm hàng năm trên 120 triệu đồng. Gia đình ông đã thoát nghèo bền vững.
Còn ông A Mứt ở thôn Plei Rơ Hai 2 vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH thông qua Hội Nông dân để nuôi bò. Nhờ chịu khó làm ăn, không chỉ vượt qua cuộc sống đói nghèo, mà gia đình ông còn xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang, mua sắm các đồ dùng gia đình như tivi, xe máy…; cho con cái học hành đầy đủ.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Chung cho biết: Đến hết tháng 5/2020, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm  của NHCSXH tỉnh đạt 220,66 tỷ đồng với 6.173 hộ vay vốn. Hầu hết các lao động vay vốn đã sử dụng hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều lao động đạt mức thu nhập cao đã giúp gia đình thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
“Năm 2020, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên 35,2 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn Trung ương 25 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương 10,2 tỷ đồng. Mỗi lao động có thể vay tới 100 triệu đồng theo Nghị định 74 của Chính phủ mới ban hành để duy trì và mở rộng việc làm, chuyển hướng sản xuất hàng hóa nông sản có giá trị nhất là lao động ở nông thôn”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Chung chia sẻ thêm.
Có thể khẳng định, việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để giải quyết việc làm cho người lao động của NHCSXH tỉnh Kon Tum đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là giúp cho người lao động, sinh viên mới ra trường khởi nghiệp, có vốn để SXKD, tăng thu nhập cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh Dương Lê

Các tin bài khác