Vốn ưu đãi tiếp sức cho những mô hình sản xuất mới

10/06/2020
(VBSP News) Với người dân huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm nay, nguồn vốn của NHCSXH có ý nghĩa quan trọng giúp trồng trọt các nông sản thế mạnh của địa phương và mạnh dạn phát triển mô hình sản xuất, chăn nuôi mới để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
binh dinh1

Cán bộ NHCSXH tỉnh Bình Định thăm hộ vay vốn Trần Văn Miên ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát

Chúng tôi đến thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát thăm gia đình ông Lê Công Ửng và được nghe câu chuyện vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Từng bao năm sống bằng nghề nông, thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào làm nông nghiệp và trồng rừng nên đời sống rất khó khăn vất vả, không đủ chi phí cho gia đình. Chỉ đến khi vay vốn NHCSXH, cuộc sống của gia đình ông Ửng như chuyển sang một trang mới.
“Năm 2006, trong lúc gia đình đang loay hoay tìm nguồn vốn để trồng gần 4,5ha rừng thì được UBND xã tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi; trong đó có chương trình cho vay Dự án phát triển ngành lâm nghiệp thông qua NHCSXH”, ông Ửng bắt đầu câu chuyện.
Qua nhiều lần tham gia họp thôn để được nghe cán bộ khuyến lâm, cán bộ NHCSXH hướng dẫn, nhận thấy đây là cơ hội tốt để gia đình phát triển kinh tế từ việc trồng rừng. Với mức vay 10 triệu đồng/ha, gia đình ông Ửng được vay 45 triệu đồng để phát dọn thực bì, đào hố, mua phân bón, mua cây giống, thuê nhân công… Bên cạnh đó, ông còn được cán bộ kỹ thuật của huyện hướng dẫn và tuân thủ theo các quy định về trồng rừng nên rừng keo lai phát triển tốt.
“Năm 2013, khai thác rừng keo lai, sau khi trừ các khoản chi phí và trả hết tiền gốc cho NHCSXH, gia đình đã sửa sang lại ngôi nhà đã cũ mà bao nhiêu năm gia đình mong ước nhưng chưa thực hiện được”, ông Ửng xúc động nói.
Nhận thấy nghề rừng sẽ đem lại kinh tế ổn định trong tương lai, gia đình ông Ửng đã mua thêm 1,5ha đất rừng và mạnh dạn vay 100 triệu đồng chương trình cho vay Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp tại NHCSXH để tiếp tục trồng mới rừng. Từ kinh nghiệm đã được tích lũy, đến nay rừng keo lai đã hơn hai năm và phát triển rất tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập khá.
Thành công trong trồng rừng và qua nhiều năm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nuôi nai để lấy nhung, đầu năm 2018, gia đình ông Ửng lại vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH. Ngoài vốn ngân hàng, ông cũng dồn vốn tự có để mua 7 con nai. Hiện nay, đàn nai của gia đình ông Ửng đã có 9 con, trong đó có 4 con đã cho nhung, mới khai thác được 5,6 kg bán với giá hơn 89 triệu đồng.
Ngoài ra, với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Ửng thường xuyên dành thời gian tuyên truyền các chính sách Nhà nước về tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đôn đốc tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đúng hạn.
“Để có được thành quả như ngày hôm nay thì ngoài sự nỗ lực phấn đấu của gia đình, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn cho vay của NHCSXH, đã tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình tôi có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập và có tiền trang trải chi phí học tập, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn, từng bước làm giàu chính đáng”, ông Ửng chia sẻ.

binh dinh 2

Người dân huyện Phù Cát nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Hồi năm 2010, ông Trần Văn Miên ở thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm, vay vốn  NHCSXH 30 triệu đồng để nuôi bò. Sau vài ba năm, bò sinh sản thành đàn, thời điểm cao nhất lên đến 12 con, ông Miên bàn với vợ bán bớt bò lấy tiền trồng 6 ha keo. Từ hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cùng sự cần cù chịu khó, gia đình ông Miên đã xây được nhà khang trang và thoát nghèo.
Nhìn vào “tài sản” của gia đình ông Miên hiện nay với 2 con bò mẹ và 2 con bê; 7ha rừng. Ngoài ra còn có 3 sào lúa, 200 cây điều, thì trong tương lai không xa gia đình ông Miên sẽ trở thành hộ khá của thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm.
Giám đốc NHCSXH huyện Phù Cát Trần Quốc Quân cho biết, trong năm vừa qua, vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho 1.069 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư làm ăn, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,47% xuống còn 3,81% cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho 992 hộ gia đình được vay vốn cho HSSV học tập; giúp cho 48 hộ vay trồng rừng dự án WB3; hỗ trợ cho vay xây dựng 34 nhà ở; tạo điều kiện cho 230 lao động vay vốn giải quyết việc làm, 25 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có thu nhập cao và ổn định. Ngoài ra, 865 hộ vay chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn đã cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế tại địa phương; tổng số hộ vay vốn còn dư nợ là 11.305 hộ, chiếm 21% tổng số hộ dân cư trên địa bàn huyện.
“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Quân chia sẻ.
Đặc biệt, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội giúp các cấp đảng ủy, chính quyền của huyện Phù Cát nâng cao nhận thức về kênh tín dụng này. Kể từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện Phù Cát là 1,2 tỷ đồng, riêng năm 2019 tăng 700 triệu đồng càng khẳng định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo, tạo được sự nhận thức mạnh mẽ đối với các cấp, các ngành trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xây dựng NTM, bảo đảm an sinh xã hội.
Với những kết quả đã đạt được, Giám đốc NHCSXH huyện Phù Cát Trần Quốc Quân khẳng định: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phù Cát triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của NHCSXH Việt Nam, tham mưu phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng kịp thời và chỉ đạo triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đúng đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch. Về phần mình, Phòng giao dịch tiếp tục triển khai tốt hơn nữa các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

Bài và ảnh Chí Kiên

Các tin bài khác