Quảng Trị sơ kết Chỉ thị số 40-CT/TW
Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị số 40, xem đây là nguồn lực của hệ thống chính trị để nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 15/5/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 117-CTHĐ/TU xác định rõ nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương; cụ thể hóa các mục tiêu, nguồn lực, phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc giám sát cộng đồng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2299/KH-UBND và nhiều văn bản liên quan để triển khai thực hiện. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện. Các địa phương từ tỉnh xuống cơ sở đã phổ biến, quán triệt nội dung chỉ thị đến toàn thể cán bộ đảng viên, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách mới của Đảng.
Kết quả, sau 05 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40 thực sự đã đi vào cuộc sống người dân, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai tốt các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Toàn tỉnh đã hình thành được mạng lưới 1.866 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 141 xã phường thị trấn, các thôn bản, khu phố trên địa bàn; trong đó, số thành viên Hội tham gia ủy thác cấp xã là 485 người.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 2.572 tỷ đồng, tăng 881 tỷ đồng so với năm 2014 (thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40). Toàn tỉnh có 68.053 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện cho 48.935 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, 15.935 lượt hộ gia đình vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế; 11.050 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; 1.920 hộ nghèo được hỗ trợ để xây dựng nhà ở; 1.415 hộ DTTS được vay vốn để SXKD cải thiện đời sống; 45.728 công trình NS&VSMTNT được xây dựng mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống và xây dựng nông thôn mới tại địa phương góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi. Vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, rất nhiều hộ gia đình được tiếp cận vốn vay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để tập trung đầu tư vào các mô hình kinh tế có chất lượng cao.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn về kinh tế nhưng tỉnh luôn chắt chiu nguồn vốn ủy thác tạo điều kiện cho NHCSXH tỉnh mở rộng đối tượng cho vay. Thông qua đó nâng cao vị thế của NHCSXH trong việc tiếp cận với hộ nghèo, triển khai tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Tuy nhiên bên cạnh việc chuyển đổi nhận thức thì công tác tuyên truyền chưa được “phủ sóng” đến hết đối tượng nghèo. Có sự chênh lệch trong dư nợ cho vay ở các địa phương, các mô hình khuyến nông, khuyến lâm chưa đủ rộng để người nghèo làm giàu.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đây là Chỉ thị mang tính nhân văn sâu sắc nhằm hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc vươn lên thoát nghèo. Các cấp ủy và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, xây dựng được các chương trình hành động để giúp người dân giảm nghèo trên tinh thần “cho cần câu chứ không cho xâu cá”. Chỉ thị số 40 đã góp phần khắc phục điểm nghẽn trong tư duy trông chờ ỷ lại của người dân để vươn lên thoát nghèo. Thông qua chỉ thị, các cấp ủy, tổ chức, đoàn thể chính trị sát dân, gần dân hơn, nắm bắt được tâm tư người dân để thực hiện tốt hơn chính sách XĐGN. Giá trị nhân văn của Chỉ thị đã hỗ trợ người nghèo để “không có ai bị bỏ lại phía sau”; hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện đến trường, qua đó khơi dậy khát vọng hiếu học của người Quảng Trị.
Bên cạnh đó, tỉnh cần bổ sung hoàn thiện các chính sách để giúp người nghèo phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù kinh tế của từng địa phương và nâng cao vai trò của cấp ủy đảng, tổ chức đoàn thể trong việc triển khai đồng vốn chính sách đến người nghèo. Nhiệm vụ trong thời gian tới là chủ động rà soát lại các điều kiện đặc thù của từng địa phương để tiếp tục “chiến đấu” quyết liệt hơn nữa trên mặt trận giảm nghèo. Tỉnh cần tăng tỷ trọng nguồn vốn ủy thác, tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài, khai thác nguồn vốn từ các doanh nghiệp thành đạt để vượt chỉ tiêu huy động vốn. Đề cao trách nhiệm ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn chính sách, đánh bật được tình trạng “tín dụng đen”. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và nâng cao hơn nữa hoạt động của NHCSXH, từng bước xây dựng được hình ảnh nhân văn, thân thiện, gần gũi của cán bộ chính sách đối với người nghèo; cập nhật bộ sản phẩm chủ lực của tỉnh để chuyển đổi hướng cho vay, giúp người dân sử dụng có hiệu quả hơn nữa đồng vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 16 cá nhân NHCSXH tặng Giấy khen cho 07 tập thể và 09 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40.
CTV
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Ngày hội tôn vinh đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng
- » Điểm đột phá xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên
- » Tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực giúp giảm nghèo bền vững
- » Khi tín dụng chính sách trở thành một trụ cột phát triển kinh tế ở Quảng Trị
- » Tín dụng chính sách xã hội không ngừng phát triển tại Đồng Tháp
- » Sự vào cuộc của hệ thống chính trị Bắc Giang đối với tín dụng chính sách
- » Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội