Kiến tạo sức bền nông thôn mới

08/08/2019
(VBSP News) 79% người dân sống chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 4/2019. Lại đặt trong quần thể của một tỉnh miền núi, tiếp giáp với phía Tây đồng bằng sông Hồng, địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, đối mặt với mưa lũ hàng năm, những năm qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trong đường hướng phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình. Trong tiến trình ấy, dòng chảy tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Hòa Bình thực hiện đã trở thành một nguồn đầu tư trọng yếu không chỉ hỗ trợ người nghèo đối tượng yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau mà hơn thế trở thành một nhân tố tạo sức bền cho nông thôn mới.
Nông dân Hòa Bình phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi

Nông dân Hòa Bình phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi

Từ điểm sáng vùng Tây Bắc

Với những người dân thành phố Hòa Bình, ngày 8/3/2019 trở thành một điểm mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế với sự kiện thành phố là đơn vị cấp huyện đầu tiên của các tỉnh Tây Bắc cũng như của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Song ít ai ngờ rằng 8 năm trước khi khởi đầu phong trào xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thành phố chỉ đạt 15,8 triệu đồng/người/năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 20%. Dù là tỉnh lỵ của Hòa Bình nhưng thành phố Hòa Bình lại có đến 75% địa hình là đồi núi với 96.667 người thuộc các dân tộc như Kinh, Mường, Dao, Thái, Tày… Phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân trở thành điểm mấu chốt tạo các giá trị nền tảng cho việc xây dựng NTM của thành phố đặc biệt là 7 xã thuần nông.

Bài toán chuyển hóa lợi thế kinh tế vùng thành hiệu quả kinh tế đã được tỉnh và thành phố tính toán, đưa ra phương pháp giải với việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm lợi thế vùng, như: dự án chăn nuôi bò, dự án phát triển sản xuất rau màu, trồng ổi, nhãn, cây ăn quả có múi, nuôi cá lồng vùng lòng hồ…

Cái khó nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư, khi tích lũy dân cư thấp đã được “khỏa lấp” với sự nỗ lực của NHCSXH tỉnh Hòa Bình. Mạng lưới tín dụng đến từng làng bản. Các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là giám sát cho vay mà còn là những tuyên truyền viên hiệu quả, khơi dậy ý thức phát triển kinh tế với từng hộ nghèo và đối tượng chính sách. Số khách hàng vay vốn ngày càng nhiều cùng với những điển hình vay vốn thoát nghèo trở thành các triệu phú, tỷ phú ngày càng nhân rộng. Người nghèo và đối tượng chính sách không chỉ nhận được sự nâng đỡ của NHCSXH vươn lên thoát nghèo về kinh tế qua các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho đến các chương trình tín dụng giúp nâng cao chất lượng sống, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới như cho vay xóa nhà dột, nhà tạm, cho vay xây dựng, sửa chữa công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp lý với trên 1.200 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây mới được 2 căn nhà cho hộ gia đình có công với cách mạng và hộ có thu nhập thấp; tạo việc làm cho trên 540 lao động thông qua cho vay hỗ trợ tạo việc làm…

Những đóng góp của NHCSXH vào công cuộc xây dựng nông thôn mới càng rõ qua thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình. Trong 8 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH tỉnh cung ứng cho người nghèo và đối tượng chính sách đạt 393,9 tỷ đồng chiếm 50.72% tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả tích cực từ nguồn vốn này đã góp phần đưa 7/7 xã của Hòa Bình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới từ tháng 10/2018. Trong đó 100% xã của thành phố Hòa Bình không còn nhà tạm dột nát trong đó có 91,96% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định; 98,5% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định, 91% lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đạt 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%. Đây là tiền đề để thành phố Hòa Bình hướng tới mục tiêu mới trở thành đô thị loại 2 trong tương lai gần.

Đến truyền dẫn động lực phát triển

Với huyện Lương Sơn, con đường cán đích nông thôn mới cũng đã nhìn thấy trong năm 2019. 15 chương trình tín dụng được truyền dẫn uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, chiếm 99,2% tổng dư nợ đã trải rộng đến người nghèo và đối tượng chính sách trên 20 xã, thị trấn. Đến hết năm 2018, doanh số cho vay toàn huyện đạt trên 68,5 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 254,5 tỷ đồng với 9.564 hộ còn dư nợ. Chất lượng hoạt động tín dụng của NHCSXH huyện Lương Sơn luôn đạt ở mức cao đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Riêng năm 2018 có 211 hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, 214 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế giúp thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng cũng đã hỗ trợ xây dựng 2.448 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân; có 76 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học… Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,43%. Bình quân thực hiện tiêu chí nông thôn mới của các xã trong huyện là 17,5 và không còn xã nào vướng về tiêu chí hộ nghèo, việc làm, thu nhập, nhà ở… Đây cũng là nền tảng để huyện Lương Sơn đặt mục tiêu về đích nông thôn mới ngày trong năm 2019.

Không chỉ có thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn, nguồn vốn tín dụng đang nối nhịp hành trình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Doanh số cho vay năm 2018 đạt 1.013 tỷ đồng và tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến cuối năm đạt trên 2.931 tỷ đồng đang hiện hữu trong đời sống của 139.136 hộ dân. Riêng năm 2018, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã giúp 38.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, phục vụ đời sống. Tạo việc làm mới cho 3.063 lao động, giúp cho 207 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng mới, sửa chữa được 9.820 công trình nước sạch, 9.485 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn; xây dựng mới 1.054 căn nhà cho hộ nghèo; hàng nghìn hộ dân tại vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 xuống còn 14,74% (giảm 3,26% so với cuối năm 2017), cận nghèo còn 14,14% và thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

6 tháng đầu năm 2019, NHCSXH tỉnh đã cho vay mới 20.412 lượt khách hàng với doanh số cho vay đạt 653.292 triệu đồng. Đến 30/6/2019, tổng dư nợ đạt 3.107.885 triệu đồng/137.834 khách hàng vay. Danh sách chương trình tín dụng tăng trưởng cao nhất không còn có hộ nghèo mà thay bằng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… cho thấy những bước chuyển về chất trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Phản chiếu hiệu quả chính sách tín dụng đã phần nào nhìn rõ trong bức tranh nông thôn mới. Tính đến hết tháng 3/2019, toàn tỉnh có 63 xã đạt chuẩn NTM, đạt 33% tổng số xã. Trên cơ sở tỉnh giao 18 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2019, có 14 xã có khả năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn trong ngay trong quý II/2019. Như vậy, với mục tiêu 40% số xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2020, Hòa Bình đã có thể cầm chắc thành tích ngay trong năm 2019. Đối với mục tiêu có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đến nay, thành phố Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2018. Hiện huyện Lương Sơn cũng đang hoàn thành nốt tiêu chí cuối cùng để có thể đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, thực thi các chương trình tín dụng chính sách mà NHXSXH tỉnh Hòa Bình đang triển khai không vì thế mà có dịp chùng lại. Bởi, vẫn còn đó hơn một nửa số xã vẫn đang nhọc nhằn cán đích cán đích nông thôn mới và chủ yếu thuộc những địa bàn địa kinh tế khó khăn. Các xã đã và sắp cán đích nông thôn của tỉnh cũng đã và đang đặt cho mình những đích đến mới như nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Với các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới là kỳ vọng vươn tới hình mẫu đô thị.

Chính vì vậy, cùng với những nỗ lực của cán bộ NHCSXH tỉnh Hòa Bình trong việc mở rộng tín dụng, tối ưu hóa nguồn vốn đến người dân, nâng cao chất lượng tín dụng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình, Vũ Đình Đoài mong muốn cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo thực hiện và giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW Ban Bí thư Trung ương Đảng tới các cơ quan, Ban, ngành có liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là xem xét tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.UBND tỉnh và các huyện, thành phố cần quan tâm hơn trong chỉ đạo các ngành phối hợp với NHCSXH tại địa phương để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, lồng ghép giữa khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới với đầu tư vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốngóp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bài và ảnh Minh Nguyễn

Các tin bài khác