Gia Lai kịp thời đưa vốn về buôn làng

03/12/2018
(VBSP News) Theo báo cáo, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Gia Lai đến hết năm 2018 ước đạt 4.170 tỷ đồng, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỉ lệ 0,15% tổng dư nợ.
Anh Kpuil Miên, dân tộc BaNa ở xã Ia HLa, huyện Chư Pưh vay vốn chính sách 30 triệu đồng nuôi bò. Cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn

Anh Kpuil Miên, dân tộc BaNa ở xã Ia HLa, huyện Chư Pưh vay vốn chính sách 30 triệu đồng nuôi bò. Cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn

Có được kết quả đó là bởi ngay từ đầu năm 2018 NHCSXH tỉnh Gia Lai đã đặt mục tiêu phấn đấu, trong đó trọng tâm là huy động nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10% so với năm trước. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Chị thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang để tạo lập nguồn vốn cho vay tại chỗ. Riêng 2 tháng cuối năm 2018, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng 15 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh chuyển bổ sung 10 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố chuyển 5 tỷ đồng.

Thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã trải khắp toàn tỉnh cùng với mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các buôn làng, NHCSXH tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể cho vay kịp thời các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và các xã nông thôn mới, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7% năm 2015 xuống còn 13,4% vào cuối năm 2017 và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

thôn Cư PêR, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh có chị Siêu My trước đây là hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất dẫn đến vườn cây cằn cỗi, sau khi được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi, rồi tích cực tham gia lớp tập huấn KHKT trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, gia đình chị Siêu My đã có 2ha cà phê trồng xen lẫn cây ăn quả sầu riêng, bơ ghép, đàn bò 5 con, chuồng heo thịt 18 con, cho thu nhập tới cả trăm triệu đồng mỗi năm. “Tôi và nhiều gia đình trong làng vay được vốn chính sách về dám nghĩ, dám làm, nay đã giàu có rồi”, chị Siêu My chia sẻ.

Đến làng K’Tăng, xã Krang, huyện Đắk Đoa ai cũng ngợi khen anh H’Ninh, người dân tộc BaNa bởi đức tính cần cù, chịu khó, siêng năng trong sản xuất, chăn nuôi. Anh lập gia đình năm 2010 và được bố mẹ vợ cho mảnh đất dựng căn nhà ở tạm. Cuộc sống ngày ấy thiếu thốn đủ bề, khó khăn, cả hai vợ chồng không ruộng vườn, nghề nghiệp, quanh năm đi làm phụ hồ vẫn không đủ ăn. Rồi lần lượt 2 đứa con ra đời, cái nghèo lại càng đeo bám. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, căn nhà tạm của vợ chồng anh được thay thế bằng nhà xây mới từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Rồi anh chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua cặp bò về nuôi. Ngoài việc làm ruộng, anh H’Ninh còn tranh thủ đi làm thuê ngoài thị trấn Đắk Đoa có tiền công gom góp mua đất sản xuất. Hiện tại, gia đình anh có 1,7ha cà phê, 500 trụ hồ tiêu bước vào giai đoạn kinh doanh năm thứ 5 với thu nhập mỗi năm ngót 100 triệu đồng. Căn nhà nhỏ tạm bợ ngày nào giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang.

NHCSXH huyện Chư Pưh giao dịch với bà con hộ nghèo tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH huyện Chư Pưh giao dịch với bà con hộ nghèo tại Điểm giao dịch xã

Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, Lê Văn Chí thông tin: “Theo chỉ đạo của TW, năm 2019, chi nhánh sẽ phối hợp với chính quyền, các hội, đoàn thể tập trung rà soát các đối tượng cho vay để đảm bảo các hộ nghèo ở các thôn làng có đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị TW nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo lên tới 100 - 150 triệu đồng”.

Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH không chỉ giúp hộ nghèo và đồng bào DTTS trên cao nguyên Gia Lai phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống mà quan trọng hơn là đã tạo động lực cho họ có ý thức chủ động lựa chọn mô hình kinh tế giảm nghèo phù hợp, làm giàu bằng chính sức lao động, củng cố lòng tin của đồng bào vùng miền núi dân tộc vào chính sách của Nhà nước.

Bài và ảnh Bùi Thủy

Các tin bài khác