Cập nhật kiến thức cho người quản lý vốn chính sách

08/06/2018
(VBSP News) Hằng năm, NHCSXH tỉnh Phú Yên đều tổ chức nhiều lớp tập huấn cho Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, thành viên ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể cấp huyện, xã... Hoạt động này nhằm củng cố, cập nhật kiến thức cho những người tham gia quản lý vốn các chương trình tín dụng chính sách.
image001

Ông Thái An Nam - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa tham gia ý kiến trong buổi tập huấn tại TP Tuy Hòa do NHCSXH Phú Yên tổ chức

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

Nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa cách đây hơn 1 năm, thời gian đầu, anh Võ Nguyễn Quốc Thắng khá bỡ ngỡ với hoạt động nhận ủy thác vốn từ NHCSXH tỉnh Phú Yên. “Vốn vay của NHCSXH khác với vốn vay của các Ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này có đặc thù là từ ngân sách Nhà nước, với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể. Mỗi chương trình lại có những quy định riêng nên cần có thời gian để nắm bắt. Chưa kể hàng năm, Chính phủ lại bổ sung thêm một số chương trình, quy định mới nên nếu không được tập huấn, cập nhật kiến thức thì cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn khó có thể tuyên truyền, hướng dẫn người vay, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn”, anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, từ lúc nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Thành đoàn Tuy Hòa đến nay, anh đã chủ động tìm hiểu về hoạt động nhận ủy thác vốn NHCSXH để cùng với đơn vị và các hội, đoàn thể khác trên địa bàn quản lý tốt nguồn vốn chính sách theo hướng dẫn của NHCSXH và hội, đoàn thể cấp trên. Tuy nhiên, anh luôn mong muốn có dịp được tham gia tập huấn chính thức, nghe cán bộ NHCSXH Phú Yên truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cũng như giải đáp một số vấn đề thắc mắc trong công tác quản lý vốn để triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Khác với anh Thắng, bà Trần Thị Mai ở buôn Khăm xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa có hơn 10 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH. Trong nhiều năm tham gia quản lý vốn, bà Mai tích lũy được kinh nghiệm nhưng nhiều lúc cũng gặp vướng mắc khi triển khai thực tế công việc. Bà Mai cho hay: Thông thường, mỗi khi gặp khó khăn trong công tác quản lý vốn hay có những quy định chưa hiểu rõ, tôi liên hệ với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn để nhờ giải thích. Mỗi khi ngân hàng tổ chức tập huấn, tôi đều tham gia đầy đủ, một mặt để cập nhật kiến thức cho mình, mặt khác có thể chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về hoạt động của quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Theo ông Hồ Văn Thục - Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên, tập huấn nghiệp vụ là hoạt động được ngân hàng tổ chức thường niên, với mục tiêu trước tiên là củng cố lại kiến thức cho những người tham gia quản lý vốn vay, nhất là đối tượng làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, ít có thời gian nghiên cứu sâu về công việc này. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng muốn cập nhật kiến thức, quy định về các chương trình tín dụng mới bởi các chương trình tín dụng chính sách thường được Chính phủ bổ sung hằng năm. Cụ thể như năm 2018 có một chương trình được nhiều đối tượng quan tâm là cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù nghị định này có từ mấy năm nay nhưng đến nay, Chính phủ mới phân bổ vốn nên ngân hàng mới có thể triển khai.

Tập huấn cho nhiều đối tượng

Vừa qua, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã khởi động chương trình tập huấn năm 2018 dành cho các đối tượng ngoài ngân hàng này. Trước tiên là các lớp tập huấn dành cho Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và cán bộ hội, đoàn thể cấp huyện. Các lớp tập huấn này do NHCSXH tỉnh Phú Yên tổ chức, chia làm 3 cụm gồm: huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu; huyện Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa; các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh.

Sau khi tham gia lớp tập huấn được tổ chức tại TP Tuy Hòa mới đây, ông Phạm Văn Hoàng - Chủ tịch UBND phường 9, chia sẻ: “Qua tập huấn, không chỉ biết thêm về nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp xã - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tôi còn nắm bắt được vai trò của cán bộ các hội, đoàn thể, ban giảm nghèo, Trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn… trong quy trình quản lý vốn chính sách để từ đó có sự đôn đốc, phân công công việc phù hợp. Ngoài ra lần này, tôi còn biết về chương trình cho vay nhà ở xã hội, về các đối tượng được vay chương trình này cũng như biết cách tuyên truyền, hướng dẫn, bình xét công khai, đảm bảo công bằng cho người có nhu cầu vay vốn…”.

Theo kế hoạch, trong tháng 6/2018, NHCSXH cấp huyện trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho ban giảm nghèo, Trưởng thôn, hội, đoàn thể cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. “Tổng số người được tập huấn đợt này lên đến hơn 6.000 người với nhiều đối tượng. Vì vậy, NHCSXH Phú Yên đã yêu cầu NHCSXH các huyện, thị xã tham mưu, báo cáo Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện kế hoạch tập huấn theo từng nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Công tác tập huấn phải được triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo số lượng người tham gia và chất lượng bài giảng, góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng được tập huấn làm tốt nhiệm vụ của mình trong quy trình quản lý vốn chính sách”, ông Hồ Văn Thục cho biết thêm.

Năm 2003 tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Phú Yên đạt trên 100 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên gần 2.500 tỷ đồng. Dư nợ ngày càng lớn, đối tượng cho vay ngày càng nhiều nên đòi hỏi việc quản lý nguồn vốn ngày càng phải hiệu quả, sâu sát hơn. Chưa kể hiện nay, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 80% người tham gia quản lý vốn chính sách có kinh nghiệm (làm việc này trên 3 năm), còn lại là người mới. Thông qua các lớp tập huấn, ngân hàng muốn lắng nghe họ chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai để cùng tìm cách tháo gỡ, hướng đến hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Hồ Văn Thục - Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.

Theo Lê Hảo Báo Phú Yên

Các tin bài khác