51% số hộ dân ở Kon Tum đã được vay vốn tín dụng chính sách
Trải qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ việc thực hiện 02 chương trình tín dụng tại thời điểm năm 2002, đến nay NHCSXH tỉnh Kon Tum đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ cho vay đạt 2.064 tỷ đồng, tăng 28,6 lần so với năm 2002, với 63.901 hộ còn dư nợ (tương đương 51% tổng số hộ dân toàn tỉnh). Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 53.043 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% xuống 16,34% (giai đoạn 2006 - 2010); từ 33,36% xuống 10,26% (giai đoạn 2010 - 2015) và giảm từ 26,11% xuống 23,03% trong năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Trong giai đoạn 2017 - 2020, UBND tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,3% tổng dư nợ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phó Tổng Giám đốc đề nghị NHCSXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách xã hội khác trên địa bàn đạt hiệu quả tốt hơn nữa.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được mở rộng đến các đối tượng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nguồn vốn chính sách đóng vai trò rất lớn trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Phó Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị NHCSXH Việt Nam tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn vốn cao hơn để bảo đảm tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện giúp 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bức trướng với nội dung: “Đoàn kết, đổi mới, vì mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới” cho NHCSXH tỉnh; UBND tỉnh cũng trao tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo và thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trong thời gian qua.
Vũ Phương Thi thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Dấu ấn của tín dụng chính sách tại Nghệ An
- » Hướng dẫn làm ăn trước khi trao vốn
- » Vùng cao Quản Bạ phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách 15 năm đồng hành cùng người nghèo tại Tiền Giang
- » Tỉnh Kiên Giang tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách đã giúp 160 nghìn hộ ở Nghệ An thoát nghèo
- » NHCSXH và trường Đại học kinh tế - Đại học Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác
- » Ủng hộ đồng bào bị bão số 10 tại miền Trung
- » Hội thi “Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ NHCSXH” - Ngày hội của những người làm tín dụng chính sách