PHỐI HỢP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG HSSV: Kinh nghiệm từ Đại học Luật Hà Nội

23/12/2012
(VBSP) Một trong những mục tiêu cơ bản trong việc sử dụng đồng vốn tín dụng HSSV đúng mục đích là để các em nộp học phí. Và trong quy trình thực hiện hồ sơ, nhiều trường đại học đã tìm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em HSSV.
HSSV hoàn thiện các thủ tục tại Phòng công tác sinh viên

HSSV hoàn thiện các thủ tục tại Phòng công tác sinh viên

Cử nhân luật tương lai tự tin hơn

Khi chúng tôi đến Đại học Luật Hà Nội, trên chiếc bàn đặt phía ngoài Phòng công tác sinh viên, nhiều em học sinh đang nhận phiếu xác nhận của mình, trong đó không ít phiếu xác nhận để hoàn thiện hồ sơ vay vốn ưu đãi Chương trình tín dụng HSSV.

Trong Phòng công tác sinh viên, Hoàng Thị Hằng - sinh viên Khoa Luật kinh tế năm 4 và Phạm Thị Huệ - sinh viên năm thứ 2 đang chờ nộp Giấy xác nhận. Hoàng Thị Hằng quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), gia đình có 3 chị em đều đang học đại học ở Hà Nội. Ở quê, gia đình thuộc đối tượng hộ cận nghèo, bố mẹ phải bươn chải, làm mọi việc để trang trải cho các con đi học trên thành phố “tốn không biết bao nhiêu mà kể”. “May nhờ được vay tiền ngân hàng, bố mẹ giảm gánh nặng kinh tế và chúng em cũng yên tâm học hành hơn - Hằng nói - Nhiều bạn trong làng em cũng được đi học nhờ có đồng vốn này”. Bố mẹ vay tiền cho Hằng và em út đang học năm thứ nhất, và vì thế, ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp, Hằng đã nghĩ tới việc phải chuẩn bị công việc sau khi tốt nghiệp thế nào để vừa thuận lợi vừa cùng bố mẹ có kế hoạch trả nợ. “Xác định được trách nhiệm của mình, em cũng chủ động tìm kiếm hướng đi cho công việc từ bây giờ - Hằng cho biết: Em tin rằng, với sự chuẩn bị, khi ra trường em và gia đình sẽ không quá bị động khi lo công việc và thu xếp tiền trả cho ngân hàng”.

Trong khi đó, Phạm Thị Huệ là con một gia đình nông dân nghèo ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Nhà có 4 anh chị em, Huệ là con út, trên cô còn một chị gái cũng đang đi học. “Mỗi tháng em cần tối thiểu 2 triệu để chi phí sinh hoạt, và nếu không có khoản vay ưu đãi từ NHCSXH, bố mẹ có lẽ chẳng thế đủ tiền cho em đi học” - Huệ nói. Đứng cạnh Huệ, cậu sinh viên năm nhất Lý Văn Tám, dân tộc Cống, đến từ xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cũng đang tìm hiểu xem quyền lợi, nghĩa vụ của gia đình mình khi tham gia Chương trình tín dụng HSSV thế nào “để em giải thích thêm cho bố mẹ hiểu. Nhà em ở bản xa, lại có tới 9 người con còn nhỏ, nên bố mẹ cũng ít có điều kiện tham khảo thông tin. Nghe em giải thích, bố mẹ dễ dàng hiểu chương trình hơn”.

Ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính

Cô Hà Thị Ngọc Lan - Phó Trưởng Phòng công tác sinh viên - Đại học Luật Hà Nội là người đã gắn bó với Chương trình tín dụng HSSV trong nhiều năm. “Rõ ràng, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho gia đình và sinh viên bởi nếu không, có rất nhiều sinh viên không được đến trường. Chủ trương này đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển nguồn nhân lực cho đất nước”, cô Lan chia sẻ.

Xác định rõ điều đó, Ban giám hiệu Đại học Luật Hà Nội đã giao cho Phòng công tác sinh viên phối hợp với NHCSXH để nắm chủ trương. Tạo thuận lợi cho các bạn sinh viên, Phòng đã chủ động đưa biểu mẫu đơn xin xác nhận theo quy định của NHCSXH lên Website của Nhà trường để sinh viên dễ dàng tiếp cận. Nhà trường dựa vào hướng dẫn từ NHCSXH, căn cứ trường hợp cụ thể để xác nhận cho sinh viên sao cho thuận lợi nhất, đảm bảo tiến độ và quy trình kỹ thuật nhất, tạo điều kiện cho các em và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tiến độ vay vốn.

“Những người làm công tác sinh viên ở các trường đại học luôn muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên trong trường, nhất là liên quan đến Chương trình tín dụng HSSV để đảm bảo điều kiện cho các em đi học, cô Lan cho hay: Chính vì thế NHCSXH và Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn để các trường hiểu thống nhất và thực hiện đồng bộ, tránh trường hợp có trường làm “thoáng” quá, trường lại “khắt khe”, ảnh hưởng đến quyền lợi của các em và tác động không tốt tới tiến trình cho vay vốn”.

Bách Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác