Cần nguồn lực đủ mạnh cho tín dụng chính sách

27/06/2017
(VBSP News) Bàn về tác động của dòng vốn tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của quốc gia, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, đây là kênh tín dụng có sức lan tỏa mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị. Do đó, cần tạo cho dòng vốn này một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh để thực hiện.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi: Đạt mục tiêu quan trọng cả về kinh tế và chính trị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi: Đạt mục tiêu quan trọng cả về kinh tế và chính trị

Với độ bao phủ toàn diện và sự tham gia của nhiều tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giảm nhanh hộ nghèo cùng cực và hộ nghèo chung cả nước; đưa Việt Nam từ một quốc gia có trên 50% dân số thuộc diện nghèo đói và có cả nghèo đói cùng cực, trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình với bình quân thu nhập đầu người tính trên GDP là 2.300 USD. Đặc biệt, năm 2012, Việt Nam được thế giới công nhận hoàn toàn xóa bỏ nghèo cùng cực. Đây là một thành tựu to lớn bởi không chỉ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo sự lan tỏa, gắn kết tình cảm giữa Dân - Chính - Đảng.

Để củng cố, phát huy sức mạnh cho kênh tín dụng chính sách này, cần tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan dân cử bao gồm cả ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhằm kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chính sách. Nhất là trong tình hình hiện nay, Chính phủ cần bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH (như tập trung vốn nhàn rỗi hoặc vốn ODA nếu có) vì đây không chỉ là kênh giảm nghèo hiệu quả mà còn là yếu tố tác động tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế; cho phép huy động vốn vay để tăng nguồn vốn cho vay của NHCSXH; mở rộng đối tượng điều chỉnh; linh hoạt trong lãi suất giữa các vùng, miền. Tuy nhiên, cho vay cần lưu ý bảo đảm 5 dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin. Bên cạnh đó, tập trung cho vay vùng lõi nghèo theo hướng ưu tiên cho vay có điều kiện…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy: Xử lý nghiêm các đối tượng chây ì, lợi dụng chính sách!

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Thủy: Xử lý nghiêm các đối tượng chây ì, lợi dụng chính sách!

Qua giám sát, 14 chương trình cho vay ưu đãi do NHCSXH tỉnh Hậu Giang thực hiện không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, tạo việc làm hay tiếp bước trò nghèo đến trường… mà quan trọng hơn đó là sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Nếu như trước đây, việc vay vốn chỉ do hệ thống ngân hàng thực hiện thì nay, sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Tây Nam Bộ đã cuốn cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, tạo nên một khí thế mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc ủy thác vốn qua các hội, đoàn thể không chỉ thu hút hội viên tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng nông thôn mới mà còn giúp NHCSXH giảm thất thoát, giảm nợ quá hạn, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, thực tế giám sát hoạt động của NHCSXH tỉnh Hậu Giang nổi lên 3 vấn đề cần quan tâm: Trước tiên phải khẳng định nhu cầu vay vốn của bà con rất lớn, trong khi nguồn vốn của NHCSXH cũng như vốn từ tỉnh ủy thác sang chưa đáp ứng, chưa tạo cơ hội bứt phá cho hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, dù NHCSXH đã và đang thực hiện 14 chương trình chính sách nhưng vẫn còn những đối tượng chưa được thụ hưởng. Đơn cử như vốn cho doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp; vốn vay hỗ trợ về nhà ở ưu đãi cho đối tượng quân nhân hay cán bộ công chức hiện nay rất hạn hẹp… Vấn đề cuối cùng cũng là vấn đề đáng quan tâm đó là, bên cạnh những bà con nghiêm túc, có nhiều cố gắng trong sử dụng và sinh lời đồng vốn chính sách thì còn có một số đối tượng lợi dụng chính sách, chây ì, không chuyên tâm làm ăn, gây ảnh hưởng đến tất cả hội viên, các đoàn thể khác. Do vậy, NHCSXH cùng với chính quyền cần xử lý nghiêm các đối tượng này, để không làm mất đi tính nhân văn của chính sách cho vay ưu đãi.

ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình: Kênh dẫn vốn đặc biệt và nhân văn

ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình: Kênh dẫn vốn đặc biệt và nhân văn

Việc NHCSXH ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới trực tiếp là các Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp đến từng ấp, xã, huyện, không chỉ tạo nên kênh dẫn vốn trực tiếp tới từng hộ dân một cách tiện lợi nhất mà còn giúp cho hộ vay sử dụng vốn hiệu quả; đồng thời giúp NHCSXH tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn. Có thể khẳng định, đây là kênh tín dụng hết sức đặc biệt và nhân văn.

Thông qua các chương trình cho vay của NHCSXH, đã có hơn 8.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách của Trà Vinh được vay vốn; hơn 13 nghìn lao động có việc làm ổn định; gần 100 lao động đi xuất khẩu lao động; trên 19 nghìn công trình cung cấp nước sạch; hơn 27 nghìn hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất; hơn 1.300 hộ đồng bào DTTS vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh… Đặc biệt, nhiều đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh đã biết vươn lên, nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và cho địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn số ít hộ dân người đồng bào Khmer chưa bỏ được tập quán đi làm ăn xa; mọi việc sử dụng và quản lý đồng vốn đều do bố mẹ già ở nhà đảm trách nên chưa phát huy được giá trị; một số khác còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước; việc tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi một số nơi còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu… Do đó, để nguồn vốn ưu đãi trở thành động lực giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao đời sống, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương và chính quyền địa phương trong việc bổ sung nguồn lực sang NHCSXH; định hướng việc làm; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho người nghèo, nhất là đối với người dân tộc Khmer. Cùng với đó, sớm triển khai và thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Thái Bình thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác