CẦN MỞ RỘNG CHO VAY HỘ CẬN NGHÈO: Ranh giới mỏng (Bài 1)
Thích làm hộ nghèo
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu một thực tế là chính sách giảm nghèo đã vô tình tạo nên tâm lý, tư tưởng ỷ lại của một bộ phận người dân, thậm chí họ chỉ thích… làm hộ nghèo mà không muốn vươn lên thoát nghèo. Bởi đơn giản, nếu là người nghèo sẽ được Nhà nước lo cho đủ thứ, không có nhà hoặc nhà ở dột nát được hỗ trợ xây nhà; thiếu ăn được cấp gạo; đau ốm có bảo hiểm y tế (được phát miễn phí); được hỗ trợ tiền điện; đó là chưa kể các khoản đóng góp khác của địa phương cũng được miễn giảm. Trong khi đó, nhìn sang các hộ cận nghèo, dù cuộc sống còn khó khăn, thu nhập chưa bền vững lại không được hưởng các chế độ hỗ trợ, thậm chí nguồn vốn vay ưu đãi cũng không. Nói cách khác, hộ cận nghèo là đứa con chưa đủ lớn đã phải dứt khỏi bầu sữa mẹ, và khi chưa đủ sức đề kháng, đứa con ấy sẽ không đủ sức chống đỡ với những rủi ro có thể xảy ra.
Lấy ví dụ từ xã Tân Hóa, địa phương từng là hình mẫu trong giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 và nhiều dự án khác, Tân Hóa đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất và trở thành địa phương đầu tiên của huyện xin rút khỏi Chương trình 135. Tuy nhiên, chỉ sau 2 trận lũ lụt, xã này lại trở về điểm xuất phát, có nghĩa là gần 100% số hộ thiếu đói. Theo lãnh đạo xã, muốn trở lại bình thường, chính quyền và người dân nơi đây phải mất ít nhất 5 năm tái thiết.
Tại một Hội nghị sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm khu vực miền Trung - Tây Nguyên, con số đưa ra khiến nhiều người giật mình, khu vực này có đến 60 - 70% số hộ tái nghèo. Nguyên nhân là do diễn biến thiên tai, lũ lụt ngày càng phức tạp, mức độ đầu tư vốn của Nhà nước còn thấp so với nhu cầu, sử dụng vốn chưa đúng mục đích và còn một nguyên nhân nữa là hộ cận nghèo bị “cắt” rất nhiều chính sách ưu đãi.
Thời điểm này, những người nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đắng lòng vì những vuông tôm “đỏ”, nghĩa là dịch bệnh trên tôm đã cướp đi của họ niềm hy vọng về sự đổi đời, để lại cho họ gánh nặng nợ nần và nỗi lo cơm áo. Nhiều người đã thế chấp tài sản, nhà cửa để vay vốn ngân hàng, đầu tư cho vụ tôm nhưng cuối cùng đành gánh chịu thất bại vì tôm chết hàng loạt. Hơn 10 năm trước, nông dân tỉnh Cà Mau “đồng khởi phá đập, dẫn nước mặn nuôi tôm sú”, diện tích nuôi tôm lên đến 270.000ha. Nay những vụ tôm liên tiếp thất bát đẩy những triệu phú tôm năm nào trở thành trắng tay. Ông Nguyễn Văn Sáng ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước than thở: “Nuôi tôm chỉ trúng vài năm đầu, về sau càng thả càng chết. Giờ thì lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi ngân hàng không cho vay vốn để tái đầu tư sản xuất”.
Còn tại Bạc Liêu, nơi phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ, nhiều nông dân cũng đang có nguy cơ tái nghèo vì con tôm. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng tại huyện Hòa Bình, nợ cho vay nuôi tôm đã lên đến hơn 90 tỷ đồng, trong đó khung nợ xấu là 84 tỷ đồng với 2.472 hộ không có khả năng thanh toán. Điều đó có nghĩa những hộ này rơi vào ngưỡng hộ nghèo bất cứ lúc nào.
Rất cần được hỗ trợ vốn
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và người dân đối với chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành cho hộ cận nghèo. Bởi lâu nay, đối tượng này không đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn thương mại lại khó như “hái sao trên trời”.
Trên thực tế, với tiêu chí hộ cận nghèo như hiện nay, chỉ cần một “cú sốc” kinh tế hoặc thiên tai là họ sẽ trở về với xuất phát điểm ban đầu. Nếu không được hỗ trợ vốn cho sản xuất, học tập, họ sẽ không thể thoát nghèo bền vững. Ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho rằng, ranh giới giữa nghèo và cận nghèo còn mong manh, có hộ từ cận nghèo trở thành hộ nghèo rất nhanh. Vì vậy, cần xem xét để có chính sách hỗ trợ các đối tượng hộ cận nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Có thể áp dụng mức lãi suất cho vay của đối tượng cận nghèo và nghèo khác nhau…
“Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011 của Bộ LĐTB&XH; cả nước hiện có 2.580.885 hộ nghèo, 1.530.295 hộ cận nghèo. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng. |
Tính đến thời điểm này, có lẽ tỉnh Hà Nam là địa phương duy nhất mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi sang cả hộ cận nghèo. Và thực tế đã chứng minh, hiệu quả của chính sách này rất lớn. Theo đó, ngoài nguồn vốn ưu đãi hiện NHCSXH tỉnh Hà Nam thực hiện, UBND tỉnh còn dành trên 6 tỷ đồng để cho vay cả đối tượng hộ cận nghèo, giải ngân qua hệ thống NHCSXH. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Hà Nam cho biết, đầu năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 354/QĐ-UBND quy định quản lý và sử dụng quỹ cho vay GQVL tỉnh Hà Nam, trong đó hướng tới đối tượng hộ cận nghèo, giúp nhiều gia đình thuộc đối tượng này bớt phần lo lắng khi có thể vay vốn từ quỹ của địa phương.
Đánh giá về chương trình này, ông Tạ Văn Khung, Chủ tịch Hội ND xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên cho biết: “Xã có 2.250 hộ thì còn 588 hộ nghèo và hơn 300 hộ cận nghèo. Với đối tượng hộ cận nghèo tương đối cao như vậy, nếu không cho họ vay vốn để chăn nuôi, sản xuất thì rất dễ trở thành nghèo. Vì vậy, việc UBND tỉnh tạo lập quỹ để cho vay hộ cận nghèo là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Nguồn vốn này cũng khá linh hoạt khi cho vay theo nhóm hộ, nên tạo được sức mạnh tập thể, giúp cho việc sử dụng nguồn vốn được hiệu quả”.
Theo Quyết định số 354/QĐ-UBND, ngày 23/3/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về quy định quản lý và sử dụng quỹ cho vay GQVL tỉnh Hà Nam: Mục đích cho vay để phát triển mở rộng SXKD, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm mới, đi XKLĐ và giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Mức cho vay đối với cơ sở SXKD tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở; đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ; đối với người lao động đi XKLĐ, tối đa không quá 30 triệu đồng/lao động.
Phương Nguyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những ngày bấn loạn lo tiền học của tân sinh viên nghèo
- » Phụ nữ nghèo vùng sông nước Nam Bộ với việc phát triển kinh tế
- » Cần nâng cao nhận thức cho cán bộ Đoàn ở cơ sở về tín dụng chính sách
- » Vùng đất khó trồng nấm trúng đậm
- » An Giang: Nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng
- » UBND tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020
- » CHƯƠNG TRÌNH 167 GIAI ĐOẠN 2: Hộ nghèo được vay bao nhiêu tiền?
- » Hội phụ nữ Vi Hương tự hào vì thành tích giảm nghèo
- » Xóa nghèo bền vững bằng giải pháp tín dụng ưu đãi
- » Con đường nào để thoát nghèo được bền vững