Góp phần xây dựng nông thôn mới Bạch Thông
Đến cuối năm 2016, huyện Bạch Thông là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Kạn có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới là Quân Bình và Cẩm Giàng.
Tại xã Quân Bình, bước vào xây dựng nông thôn mới (năm 2011), xã mới đạt 4/19 tiêu chí, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 16%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10 triệu đồng/năm; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa chiếm khoảng 20%… Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, Quân Bình đã đồng lòng chung sức hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22,05 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với thời điểm xã bắt đầu xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,26%.
Tại Cẩm Giàng, mức thu nhập bình đầu người của xã năm 2016 đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 5,5%; 90% lao động có việc làm thường xuyên; 100% các thôn đều có nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; trên địa bàn xã, tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng là 75,5%…
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư huyện ủy Bạch Thông Đồng Văn Lưu cho biết: Ðể có được kết quả như hôm nay ở một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như Bạch Thông là cả một thời gian phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Bởi khi triển khai thực hiện Chương trình, cũng giống nhiều huyện khác, xuất phát điểm của huyện Bạch Thông thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí có nhiều hạn chế, giao thông khó khăn. Trong quá trình thực hiện, địa phương xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do vậy, chính quyền và các hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay một cách tốt nhất. Các hoạt động khuyến nông, dạy nghề được đẩy mạnh để người vay vốn biết cách sử dụng hiệu quả.
Để nguồn vốn vay đến kịp thời với người dân, NHCSXH huyện đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dễ dàng thông qua 17 Điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn. Công tác giao dịch được thực hiện theo đúng quy định đã giúp tăng tỷ lệ giải ngân, tỷ lệ thu nợ và thu lãi. Hiện nay, NHCSXH huyện đạt dư nợ trên 200 tỷ đồng; trong đó, Hội Phụ nữ huyện Bạch Thông có dư nợ lớn nhất, với trên 83 tỷ đồng cho 3.277 hội viên vay vốn; Hội Nông dân có dư nợ gần 70 tỷ đồng với 2.019 hội viên vay vốn; Hội CCB dư nợ trên 17 tỷ đồng cho 645 hộ vay vốn…
Nhờ nguồn vốn chính sách mà nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như hộ ông Lưu Đình Duy ở thôn Thái Bình, từng thuộc diện hộ nghèo có “thâm niên” ở xã Quân Bình. Từ năm 2006, được hỗ trợ tiền làm nhà, tập huấn kỹ thuật, được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình lần lượt đầu tư chăn nuôi vịt đẻ trứng, nuôi lợn sinh sản, trâu sinh sản. Đến năm 2010 ông Duy thoát nghèo. Hiện nay, đàn trâu gia đình ông có 7 con, trị giá hơn 100 triệu đồng. Nhờ sự nỗ lực vươn lên, gia đình ông Duy đã có điều kiện kinh tế ổn định, nuôi con đi học chuyên nghiệp, tham gia giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Hay như gia đình anh Hà Văn Mận ở thôn Lủng Coóc, xã Quân Bình vay NHCSXH 20 triệu đồng để mua máy xay xát gạo và sao sấy chè phục vụ bà con trong thôn và giải quyết việc làm cho 6 lao động nông nhàn. Còn gia đình chị Bế Thị Tuyến ở thôn Mỏ, xã Quân Bình sử dụng 30 triệu đồng tiền vay về mua trâu sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng KHKT, chỉ sau 3 năm gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả hết nợ vay và mới đây được NHCSXH huyện Bạch Thông cho vay tiếp 45 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo để mở rộng chăn nuôi đàn gia súc.
Với những hiệu quả tích cực trong những năm qua, có thể khẳng định nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách đã mở ra hướng làm ăn mới cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Bạch Thông, góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo của toàn huyện, từ đó thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bài và ảnh Hồ Minh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách tại Hậu Giang được triển khai hiệu quả
- » Mở lối làm giàu cho nông dân vùng khó
- » Hương Sơn mùa cắt “lộc”
- » Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp
- » Đổi thay từ vốn vay ưu đãi ở Hòa Vang
- » Bệ đỡ thoát nghèo
- » “Phao cứu sinh” cho người nghèo
- » Phát triển kinh tế từ đồng vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách nơi “đất chật, người đông”
- » Chuyển động trên xứ chè Thái Nguyên