Khởi sắc ở một vùng quê

12/08/2016
(VBSP News) Giữa những ngày hè oi ả, đến thăm lại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi có gần 300 hộ dân theo đạo, trong đó có khoảng 800 hộ đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sống chủ yếu bằng nghề trồng rau màu, chăn nuôi, bảo vệ rừng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Ở khắp 15 buôn làng trong xã, nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống tuyến đường nội thôn bằng bê tông, rải nhựa được xây dựng hoàn chỉnh, những thung lũng, vạt đồi bạt ngàn rau xanh, dưa hồng vào chính vụ thu hái hứa hẹn mùa màng bội thu, no đủ.
Mô hình trồng rau sạch cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Đơn Dương được duy trì, phát triển từ nguồn vốn chính sách

Mô hình trồng rau sạch cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Đơn Dương được duy trì, phát triển từ nguồn vốn chính sách

Đồng chí Phó bí thư Đảng uỷ xã Lạc Xuân, Đoàn Công Đoan nói với chúng tôi: Trước đây, người dân quê tôi chỉ trông vào nghề cấy lúa nương và củ mỳ, lại thiếu nhiều vốn, kỹ thuật sản xuất nên cuộc sống nghèo khổ lắm, nhưng từ khi được các chương trình, dự án của Nhà nước ưu tiên đầu tư, nhất là nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ kịp thời, các hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đã có điều kiện chủ động sản xuất thâm canh vườn rau màu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao cuộc sống để đến hôm nay buôn làng khởi sắc, có một diện mạo mới, tươi vui ở phía Nam cao nguyên xa xôi này.

Đồng chí Đoàn Công Đoan đã cho biết cụ thể, trong tổng số gần 25 tỷ đồng mà toàn xã Lạc Xuân hiện còn dư nợ với NHCSXH thì số tiền nhiều nhất được hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tập trung sử dụng vào việc khai hoang cải tạo đất đai, lập vườn trồng các loại rau quả, xây chuồng trại nuôi bò lai sind, dê núi, lợn, bò…

Đặc biệt, thời gian gần đây do triển khai thực hiện tốt chất lượng tín dụng và đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống đã làm cho hoạt động về lĩnh vực tín dụng chính sách sôi động, chuyển biến rõ rệt. Các tổ chức chính trị - xã hội tại địa bàn đã phối hợp nhịp nhàng, kể cả với các linh mục, già làng, trưởng bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn nhân dân mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay hợp lý, có kế hoạch sát sao vào SXKD, đồng thời thực hiện nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn trong xã đã tiến hành bình xét công khai, dân chủ từng trường hợp vay vốn chính sách và trực tiếp hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn vay vào những lĩnh vực ít rủi ro, có khả năng thu lợi cao. Tình trạng vay ké, xâm tiêu vốn vay hay để lãi vay tồn đọng cũng được chấm dứt hoàn toàn.

Đồng vốn chính sách đã trở thành nguồn lực quan trọng cho nhiều gia đình ở xã Lạc Xuân - một vùng quê đa tôn giáo, đa sắc tộc vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất, hiện thực hóa ước mơ cải thiện cuộc sống ngay trên cao nguyên.

Điển hình là nhà chị Ya Thiêng, dân tộc K’Ho được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn La Boong bình xét, đề nghị NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo để trồng rau xanh, cà chua, su su theo chương trình Việt GAP. Sau 1,2 vụ sản xuất, thấy rau quả xanh tốt, bán được giá, chị mạnh dạn vay thêm vốn chính sách đầu tư làm nhà kính, nhà lưới và áp dụng kỹ thuật chuyển đổi giống cây mới của nghề trồng rau quả. Đất đã chẳng phụ công người cùng với nguồn vốn vay tạo “điểm tựa” gia đình chị Ya Thiêng làm ăn khá giả với 8 sào rau xanh 3 vụ/năm năng suất cao, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Cũng nhờ có đồng vốn vay dành cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, gia đình ông Ya Kâu ở thôn Tân Hiện có điều kiện chăn nuôi lợn nái và trồng 4 sào bầu bí. Trừ chi phí, mỗi năm ông thu được một khoản lãi kha khá giúp ông hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng, lại còn tích luỹ đầu tư mở rộng diện tích trồng rau màu để thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Có thể nói, vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, giúp người dân xã Lạc Xuân tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt góp phần tích cực nâng thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu như năm 2010, thu nhập đầu người nơi đây chỉ đạt 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 26% thì nay đã vượt xa đến 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,4% vào cuối năm 2015, cả 15/15 thôn của xã cùng đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hơn 200 hộ dân đạt danh hiệu thi đua SXKD giỏi cấp huyện, tỉnh.

Bài và ảnh Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác