Chuyện giảm nghèo của Phường 11
Chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn phường 11 được NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đánh giá tốt, các hộ vay đúng đối tượng và đủ điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Quy trình bình xét được thực hiện công khai, dân chủ, có sự chứng kiến của Tổ dân phố, hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay, nên tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn là không có. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sử dụng vốn vay đầu tư chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả, giúp họ từng bước cải thiện đời sống.
Được NHCSXH tỉnh Lâm Đồng giới thiệu, chúng tôi tới thăm mô hình trồng hoa cúc trong nhà lồng của chị Đoàn Thị Hạnh ở Tổ dân phố Tự Phước. Nhìn cơ ngơi rộng 2.500m2 trồng hoa của chị không ai nghĩ rằng chị Hạnh đã từng bước gây dựng nên từ 6 năm trước - sau ngày chồng mất để lại 5 người con đang độ tuổi ăn học. Càng hiếm người tin rằng, chị đã sử dụng vốn vay ưu đãi, vượt qua khó khăn để tạo dựng nên. Nhờ chắt chiu, đắp đổi từ nguồn vốn vay, 3 người con của chị lần lượt tốt nghiệp đại học. Gia đình chị Hạnh thoát nghèo, tiếp tục vay vốn để đầu tư lớn, trồng hoa cúc trong nhà lồng. Chị còn đầu tư làm đường kiên cố vào vườn, vay thêm người thân và bạn bè để làm nhà lồng và trồng hoa thay vì trồng các loại rau như trước đây.
Ở phường 11, còn có nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách như hộ chị Bùi Thị Kim Tài ở Tổ dân phố Tự Tạo 1 vay 20 triệu đồng hộ cận nghèo từ năm 2014 và vay mượn thêm của bà con, anh em để làm 500m2 nhà lồng trồng hoa. Nói về nguồn vốn vay ưu đãi, chị Tài cho hay, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đã giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả, nhưng số tiền vay còn quá ít. Nếu được vay nhiều hơn, chị sẽ đầu tư tiếp nhà lồng để có thu nhập nhiều thêm…
Tính đến hết tháng 6/2016 dư nợ tại phường 11 đạt 9,4 tỷ đồng với 339 hộ gia đình vay vốn thông qua 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt, qua kiểm tra thực tế, các hộ được vay vốn đều trả lãi đầy đủ và tham gia gửi tiết kiệm 97% với số dư tiền gửi trên 704 triệu đồng; nợ quá hạn rất thấp, chiếm 0,02% tổng dư nợ. Công tác đối chiếu, phân tích nợ được UBND phường, các hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng dân phố, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với NHCSXH tỉnh hoàn thành tốt, không có hiện trạng xâm tiêu, chiếm dụng, vay ké. 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt.
Chủ tịch UBND phường 11, Huỳnh Quốc Phương cho biết: UBND phường luôn tạo điều kiện để phiên giao dịch định kỳ hàng tháng của NHCSXH tại phường được thuận lợi. Công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm… được thực hiện nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt tình hình hộ vay và thông tin các chương trình tín dụng chính sách kịp thời, không để vướng mắc, tâm tư… Chính quyền, ngân hàng và các đoàn thể phối hợp tốt góp phần đưa ngân hàng về gần với người dân hơn…
Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng, Đỗ Quý Uy là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, đánh giá: “Hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn rất tốt. Các tổ chức hội, đoàn thể nhiệt tình, thường xuyên động viên nhau vượt lên trong cuộc sống chứ không chỉ là sản xuất làm ăn. Đảng ủy và chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động tín dụng chính sách tại phường 11 phát huy hiệu quả, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Tuy nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách không lớn, nhưng rất nhiều hộ gia đình đã xoay chuyển được tình hình và ngày càng khá lên…
Bài và ảnh Lê Hoa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi
- » Nuiphao Mining tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Triệu phú người Mạ ở bon B’Dơng
- » Tiếp sức thanh niên Gia Viễn lập nghiệp
- » Đưa vốn lên vùng cao Điện Biên
- » Đồng vốn nhỏ, thương hiệu lớn
- » Đổi thay một vùng đất “ven trời” Tây Bắc
- » Niềm mong ước cuối đời của người mẹ liệt sĩ
- » Điểm tựa giúp dân thoát nghèo
- » Khi nước sạch về bản vùng cao