Hoạt động NHCSXH nhìn từ góc độ tài chính công
Thực hiện hiệu quả tài chính công
Điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy đây làngân hàng có mạng lưới rộng nhất và ổn định đến tận các xã, phường với các thủ tục hành chính công khai và minh bạch. Đến nay, trên lãnh thổ Việt Nam đang có sự hiện diện rộng khắp của NHCSXH. Tại trụ sở UBND xã, phường trong toàn quốc đều có bảng hiệu Điểm giao dịch của NHCSXH, với hàng loạt thông báo công khai về chính sách công, thủ tục của tài chính công, thủ tục hành chính, công khai thời gian giao dịch,… ngay tại trụ sở chính quyền địa phương, với sự giám sát của các ban, ngành tại địa phương về các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người dân. Do đó, có thể khẳng định không có TCTD nào có được những ưu việt nói trên.
Hai là, xã hội hóa một hoạt động tài chính chính thức của Nhà nước. Hoạt động tín dụng do NHCSXH cung cấp cho các đối tượng chính sách, cho vùng khó khăn, cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng nằm trong các chương trình, mục tiêu, dự án theo quy định của Chính phủ,… có sự tham gia, phối hợp và trách nhiệm khá rõ ràng. Việc tham gia này còn đảm bảo cho các thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội được thụ hưởng đúng chính sách của Nhà nước, đảm bảo chính sách được thực hiện minh bạch, vốn sử dụng có hiệu quả.
Ba là, hoạt động tài chính công do NHCSXH thực hiện gắn liền với trách nhiệm của một số Bộ, ngành; của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tại các địa phương có Ban đại diện HĐQT, với việc phân công và quy định trách nhiệm cụ thể. Điều này cho thấy, tài chính công do NHCSXH thực hiện không chỉ là công việc riêng của ngân hàng. Đây cũng là tính đặc thù so với các TCTD khác.
Bốn là, tài chính công do NHCSXH có hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Đến nay, tại Việt Nam có 2 định chế tài chính của Nhà nước thực hiện tín dụng ưu đãi, đó là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và NHCSXH.Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay và bảo lãnh đối với các doanh nghiệp, hiện nay tỷ lệ nợ xấu cao, xuất hiện một số vi phạm đã được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.NHCSXH thực hiện cho vay chủ yếu là các hộ gia đình, bên cạnh đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo việc làm cho người lao động. Hiệu quả kinh tế của các hoạt động tín dụng khá rõ ràng: giúp hộ gia đình nghèo thoát nghèo, hộ cận nghèo có vốn vươn lên thoát nghèo bền vững, hộ thoát nghèo không tái nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có tiền để trang trải chi phí học tập.
Năm là, tín dụng Nhà nước được thực hiện qua NHCSXH đảm bảo an toàn nợ công. Vốn cho vay của NHCSXH chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dù là vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương trực tiếp chuyển qua, hay vốn phát hành trái phiếu Chính phủ, do Chính phủ bảo lãnh thì đều là nợ công, nguồn chênh lệch lãi suất do ngân sách Nhà nước chi trả. Xong với kết quả luân chuyển vốn vay và thực trạng chất lượng tín dụng thì có thể khẳng định không dẫn tới mất an toàn nợ công.
Theo số liệu, hiện nay tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH dưới 1%, thấp nhất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tại một số địa phương, nhiều gia đình đã trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình thuộc diện được vay vốn NHCSXH nhưng tạm thời chưa có nhu cầu vay vì nhận thấy chưa có cơ hội sử dụng vốn vay có hiệu quả để trả nợ gốc và lãi theo quy định.
Sáu là, chi phí hoạt động cho vay của NHCSXH vào loại thấp nhất, tiết kiệm cho chi tiêu công. Đối với các NHTM, trích lập dự phòng rủi ro được đưa vào chi phí hoạt động tín dụng, chi phí rủi ro nằm trong kết cấu lãi suất cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của các NHTM lên tới trên 4% sẽ làm gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Về mặt lãi suất, có nhiều nguồn thông tin khác nhau và qua các thời kỳ khác nhau, nhưng chênh lệch lãi suất cho vay so với lãi suất bình quân tiền gửi của các NHTM vào khoảng 2,5 - 3,5%/năm.
Đối với NHCSXH, bộ máy ở các quận, huyện, thị xã khiêm tốn từ 9 - 10 cán bộ, nhân viên, các chi phí trụ sở, trang thiết bị không lớn, điểm giao dịch hàng tháng nhờ trụ sở UBND phường xã… tỷ lệ nợ quá hạn thấp, có thể nói đây là ngân hàng có chi phí thấp nhất.
Do đặc thù hoạt động của NHCSXH, thực hiện tín dụng Nhà nước, nên chi phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp. Vì vậy, với chi phí thấp, chứng tỏ tiết kiệm trong chi tiêu công; còn những thất thoát, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng thì chưa có thông tin, nhưng chắc chắn đây là kênh tin tưởng nhất so với các hoạt động chi tiêu công khác.
Bẩy là, NHCSXH là mô hình có tính đặc thù của Việt Nam. Nghiên cứu các mô hình Ngân hàng chính sách phục vụ trực tiếp hộ gia đình cá nhân ở một số nước thuộc khu vực Châu Á sẽ thấy rõ tính đặc thù của NHCSXH, luôn đảm bảo được các yêu cầu đặt ra về thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đề xuất kiến nghị hướng tới phát triển bền vững
Thứ nhất, kể từ khi thành lập đến tháng 7/2012, NHCSXH mới trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 2 năm chưa thấy NHCSXH có những Đề án cụ thể đề xuất với các Bộ, ngành liên quan, nhằm triển khai các giải pháp cụ thể bảo đảm sự phát triển bền vững để từ đó thực hiện tốt công tác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy, cần thiết phải có những đề xuất cụ thể, Đề án chi tiết về nguồn vốn, mở rộng đối tượng cho vay, đảm bảo hoạt động lâu dài, phù hợp nhằm phát triển bền vững cho NHCSXH.
Thứ hai, Chính phủ cần tăng cường bố trí nguồn vốn với quy mô lớn hơn nữa để cho vay. Tính đến hết tháng 8/2014 tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 126.349 tỷ đồng, mới chỉ chiếm khoảng hơn 3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn ngành ngân hàng, kể cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và nợ ngoại bảng của các TCTD. Tỷ lệ này là còn thấp. Về góc độ nguồn vốn, Chính phủ cần chủ động bố trí thêm nguồn vốn có tính chất ổn định hàng năm cho NHCSXH để cho vay.
Thứ ba, cần mở rộng các chương trình, dự án cho vay của NHCSXH. Đến hết tháng 8/2014 có 8 chương trình, dự án giảm dư nợ cho vay thời điểm hết năm 2013; một số chương trình khó mở rộng cho vay, đồng thời để thực hiện hiệu quả đề xuất thứ hai nêu trên, NHCSXH cần chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất một số chương trình, dự án mới có tính chất xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Thứ tư, cần tập trung các chương trình, dự án có tính chất an sinh xã hội từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước vào NHCSXH. Hiện nay có một số chương trình, dự án đầu tư vốn từ ngân sách Nhà nước không có tính chất hoàn lại, bố trí qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,… cần được giảm thiểu, các chương trình, dự án này nên chuyển qua NHCSXH cho vay tín dụng ưu đãi, có thể lãi suất thấp hơn, thời gian dài hơn, cơ chế xử lý rủi ro linh hoạt hơn,… như vậy sẽ có hiệu quả hơn và giảm thiểu tiêu cực.
Cuối cùng, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền của NHCSXH, đặc biệt là các giải pháp đồng bộ tăng cường công tác tuyên truyền tới toàn xã hội về các hoạt động và chính sách tín dụng ưu đãi qua ngân hàng của Đảng và Chính phủ.
Bài và ảnh TS. Nguyễn Ngọc Thao
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tăng cường hoạt động thanh toán của NHCSXH để thực hiện tốt chức năng tín dụng chính sách
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay HSSV
- » Ngô - cây thoát nghèo ở Võ Nhai
- » Hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Đoan Hùng
- » Người nghèo miền Trung đã có chòi tránh lũ
- » Chương trình tín dụng HSSV trên vùng quê hiếu học
- » Chắt chiu từng đồng vốn nhỏ
- » Gỡ khó cho hàng nghìn hộ nghèo
- » Chòi tránh lũ phát huy hiệu quả
- » Đoàn công tác HĐQT NHCSXH làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Giang