Gần 64 nghìn hộ ở Khánh Hoà đang còn dư nợ vay chương trình NS&VSMTNT
Từ nhu cầu thực tế
Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1 Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang đưa chúng tôi đến nhà của vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Đề và Lưu Thị Thanh Vân. Ngôi nhà ở quá lưng chừng núi, lối lên nhỏ với rất nhiều bậc thang. Tổ ấm của anh chị là căn nhà đại đoàn kết do Vietinbank hỗ trợ kinh phí xây dựng vào năm 2012. Chị Trang bảo: “Lúc chưa cất được nhà, vợ chồng chị Vân ở nhà tạm bợ, dột nát”. Chỗ ở còn tạm bợ thì nói gì đến chuyện làm nhà vệ sinh. Hơn một năm trước, vợ chồng chị Vân vay 4 triệu đồng từ NHCSXH để xây nhà vệ sinh. “Nếu không được vay vốn, chắc chúng tôi cũng chưa xây nhà vệ sinh. Vật liệu vận chuyển lên nhà tôi thứ gì cũng đắt hơn rất nhiều, chưa kể công thợ. Làm nhà vệ sinh bé xíu mà vẫn phải vay thêm bên ngoài”, anh Đề kể.
Được biết, chị Vân ở nhà nội trợ, anh Đề đi biển, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng xoay sở nuôi 3 miệng ăn. Mỗi tháng, vợ chồng dành ra hơn 100 nghìn đồng để trả nợ tiền vay. Ở trên núi cao, chưa bắc được nước máy, mỗi tháng, vợ chồng chị Vân phải nhờ bơm nước một lần. Một tháng, cả nhà chỉ dùng 2 khối nước. Mong muốn của vợ chồng chị là được vay vốn hỗ trợ bắc nước máy để sử dụng. “Một số hộ dân trong khu dân cư phải “câu” nước nhờ như nhà chị Vân cũng có nguyện vọng được vay vốn nước sạch”, chị Trang cho biết. Hiện nay, khu dân cư 1 Cầu Đá có 41 hộ vay vốn với hơn 160 triệu đồng đều để xây mới, cải tạo công trình vệ sinh.
Gia đình chị Đỗ Thị Thuận ở khu dân cư Đông Môn 1, thị trấn Diên Khánh được vay 8 triệu đồng cho cả công trình vệ sinh và nước sạch. Trước đây, ngày nào nhà chị cũng phải gánh nước rất xa, rồi sau đó là giếng khoan. Biết có chương trình cho vay của NHCSXH, gia đình chị Thuận đăng ký vay vốn cả 2 công trình là xây nhà vệ sinh và bắc nước máy. Theo chị Trần Thị Minh Trang - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Đông Môn 1, hiện nay, tổ có 54 hộ vay với dư nợ hơn 300 triệu đồng. Mỗi tháng, các hộ vay tự giác đóng tiền tiết kiệm tối thiểu 100 nghìn đồng cùng tiền lãi. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều gia đình được sử dụng nước sạch, có nhà vệ sinh hợp quy cách.
Thời gian qua, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp người dân thị trấn Diên Khánh có điều kiện xây dựng các công trình vệ sinh và nước sạch đảm bảo yêu cầu. Trên địa bàn thị trấn đã xây dựng 937 công trình vệ sinh và 643 công trình nước sạch. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của người dân còn nhiều nên UBND thị trấn Diên Khánh kiến nghị bổ sung nguồn vốn vay và xem xét cho vay lại với những công trình đã xuống cấp.
Đáp ứng nguyện vọng của người dân thị trấn Diên Khánh nói riêng, cả nước nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 18 về việc sửa đổi bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 6 triệu đồng/hộ (tăng hơn 2 triệu đồng/công trình/hộ so với Quyết định số 62). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2014.
Ông Bùi Nhật Quang - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Diên Khánh cho biết, đến hết quý I/2014, dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện đạt hơn 61 tỷ đồng với 10.659 hộ thụ hưởng. Nhiều hộ dân đã không còn thiếu nước, nhiều gia đình đã có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Đặc biệt, chương trình đã tạo điều kiện để nhiều hộ dân 3 xã Diên Phước, Diên Lạc và Diên Thọ vay vốn sử dụng nước máy.
Tiếp cận nguồn vốn thuận lợi
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh Khánh Hoà, đến hết quý I/2014, dư nợ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 351 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với đầu năm, 1.250 công trình được vay mới. Hiện nay, có 63.818 hộ vay còn dư nợ.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Khánh Hoà cho biết, để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, sử dụng vốn đúng mục đích, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chi nhánh, các Phòng giao dịch, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác. Các hộ dân được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vay vốn. Hàng chục nghìn hộ dân được vay vốn từ chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng ven biển. Tuy nhiên, hiện nay, người dân có nhu cầu vay lớn nên chi nhánh kiến nghị Trung ương và tỉnh bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình này.
Theo Báo Khánh Hòa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Cho vay giải quyết việc làm ở Nam Định
- » Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Chư Pưh ưu tiên vốn cho vùng khó khăn
- » Quảng Ninh ưu tiên vốn cho vùng cao
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Hạ Hòa
- » Củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở vùng dân tộc miền núi Hà Giang
- » Đưa vốn chính sách lên vùng cao
- » Mở hướng làm giàu cho người dân
- » Tín dụng chính sách nơi vùng quê công giáo