Tín dụng chính sách nơi vùng quê công giáo

31/03/2014
(VBSP News) Từ trung tâm huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đi vào xã Yên Tập chỉ có khoảng 10km, nhưng do con đường đèo dốc quanh co, thêm nữa là tiết trời đầu xuân mưa phùn, gió lạnh, khiến ai đi trên con đường này đều cảm thấy xa gấp 2, 3 lần thực tế. Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Khê Nguyễn Xuân Thành trẻ trung (sinh năm 1982) đi cùng phóng viên cho biết: “Xã Yên Tập không chỉ có giao thông đi lại khó khăn mà ruộng đất, cây lúa, trồng ngô cũng rất ít, có 164ha thôi, nên việc sản xuất của nông dân gặp rất nhiều trở ngại. Mặt khác, 100% số dân sinh sống ở đây theo đạo thiên chúa giáo với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khá cao với 28% hộ nghèo, 29% hộ cận nghèo trong tổng số 1.070 hộ. Vì vậy, để thoát được nghèo, người dân nơi đây phải cố gắng hơn so với các khu vực khác”.
Giám đốc Nguyễn Xuân Thành (thứ 2 từ trái sang) xuống cơ sở kiểm tra vốn vay

Giám đốc Nguyễn Xuân Thành (thứ 2 từ trái sang) xuống cơ sở kiểm tra vốn vay

Anh Thành cho biết thêm, nhằm hỗ trợ vùng quê trung du Yên Tập vượt khó đi lên, NHCSXH huyện cùng với các ngành, các cấp thời gian qua đã triển khai đầu tư 7 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ 12,7 tỷ đồng. Thông qua hoạt động uỷ thác của các hội, đoàn thể và 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hàng trăm hộ nghèo và đối tượng chính sách ở 7 khu vực hành chính xã Yên Tập đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, khôi phục ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tuy, hộ gia đình công giáo thuộc diện hộ nghèo ở khu 2 đến Điểm giao dịch lưu động của NHCSXH tại hội trường UBND xã để vay vốn. Trước đây, do thiếu tiền đầu tư vào sản xuất và người chồng đau yếu nên kinh tế gia đình chị luôn túng quẫn. Trước hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, giúp đỡ chị Tuy vay vốn ưu đãi với mục đích thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thông qua sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị được NHCSXH huyện Cẩm Khê cho vay 20 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị còn được tham gia tập huấn chuyển giao KHKT và vay vốn Chương trình tín dụng HSSV. Vậy là cùng một lúc, gia đình chị được hỗ trợ cả hai nguồn vốn ưu đãi. Hy vọng từ đồng vốn chính sách có được trong tay, gia đình chị Tuy có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát cảnh nghèo khó.

Tín dụng chính sách kịp thời về với bà con dân nghèo Cẩm Khê

Tín dụng chính sách kịp thời về với bà con dân nghèo Cẩm Khê

Cũng như gia đình chị Tuy, vợ chồng chị Lê Thị Phương cũng ở khu 2, xã Yên Tập với số tiền vay 9 triệu đồng hộ nghèo, chị Phương đã sử dụng vào việc cải tạo chuồng trại để nuôi lợn. Vì vốn ít, kỹ thuật chưa có nên năng suất, thu nhập ban đầu của mô hình kém. Không nản lòng, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chị Phương đến một vài nơi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi để áp dụng. Nhận thấy nhu cầu thị trường về lợn giống ngày một tăng cao, chị đã vay tiếp vốn ưu đãi với số tiền 20 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi.

Chị Phương chia sẻ: “đồng vốn chính sách quý lắm, vì hộ nghèo, hộ cận nghèo như chúng tôi làm gì có tài sản gì lớn mà thế chấp. Vậy mà cán bộ tín dụng NHCSXH vẫn giải quyết cho vay nhanh chóng thuận lợi. Từ nguồn vốn này, tôi đã tập trung đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thức ăn, thuốc thú y phát triển mô hình nuôi lợn nái, lợn giống”.

Bằng cách nuôi lợn nái để lấy lợn con nuôi lợn thương phẩm, chuồng trại của gia đình chị thường xuyên có từ 3 - 4 con lợn nái, trên 20 con lợn thịt. Trước tết vừa qua, chị xuất chuồng trên 5 tấn lợn hơi, doanh thu gần 200 triệu đồng.

Đây là hai trong hàng chục hộ thoát nghèo, từ việc sử dụng vốn vay ưu đãi trong năm 2013 ở vùng quê trung du Yên Tập. Kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của bản thân từng hộ dân, còn nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền và các hội, đoàn thể xã, nhất là các ban, ngành chức năng, trong đó: đáng kể nhất là NHCSXH. Ông Vũ Xuân Trịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở đây các cấp, các ngành đã làm mọi việc, việc gì giúp dân thoát nghèo thì đều cố gắng làm với trách nhiệm cao”. Đúng vậy, UBND xã Yên Tập đã xây dựng Đề án giảm nghèo, phân công cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể. Trên cơ sở đó, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với chi bộ, Ban nhân dân khu vực tiến hành khảo sát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo và chịu trách nhiệm giúp đỡ họ thoát nghèo. Đặc biệt, UBND xã còn coi trọng chỉ đạo các Trưởng khu hành chính và phối hợp với cả các linh mục, cha xứ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn bà con giáo dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả; đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh việc nộp lãi; trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng, góp phần cho công tác xoá nghèo nhanh, bền vững ở nông thôn. 

Bài và ảnh Đông Dư - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác