Đẩy mạnh đưa vốn vay về vùng khó khăn để thúc đẩy sản xuất

23/10/2013
(VBSP News) Trong những năm gần đây, chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã trở thành "chìa khóa" để hàng nghìn hộ nông dân mở cánh cửa vượt khó làm giàu. Thành công lớn từ những mô hình nhỏ là tiền đề để tạo nên kết quả cao hơn trong tương lai.
Mô hình nuôi thả lợn lai rừng của anh Hoàng Văn Chỉnh ở xã Rã Bản sử dụng vốn vay chương trình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình nuôi thả lợn lai rừng của anh Hoàng Văn Chỉnh ở xã Rã Bản sử dụng vốn vay chương trình
hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Những điển hình

Điểm danh những mô hình làm giàu từ vốn Chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn hẳn cũng tốn thời gian. Chưa phải là những mô hình mang lại tiền tỷ mỗi năm nhưng quan trọng hơn cả là tính bền vững của những mô hình ấy, sức sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và phần nào đó nằm ngoài tình trạng mất mùa được giá hay mất giá thì lại được mùa.

Thôn Khuổi Già, xã Rã Bản, huyện Chợ Đồn giờ đường bê tông khang trang vào tận trung tâm thôn. Không khó để nhận ra trang trại của anh Hoàng Văn Chỉnh với những ao cá, khu chăn nuôi và đồi quýt đang vào vụ thu hoạch. Căn nhà bê tông khang trang, sân rộng rãi với những chiếc xe máy “xịn” đủ để thấy chủ nhân căn nhà có cuộc sống khá sung túc. Dẫn chúng tôi thăm mô hình trang trại, anh Chỉnh chia sẻ: “Mình cũng loay hoay đủ nghề rồi nghĩ không đâu bằng làm kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Nghĩ là làm, mình vay vốn từ NHCSXH huyện Chợ Đồn để đầu tư làm trang trại gồm 20 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và 100 triệu đồng của Chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn. Trang trại thiết kế liên hoàn với hai ao nuôi cá diện tích hơn 4.000m²; khu đồi hơn 1ha trồng quýt và quây lưới B40 kết hợp nuôi lợn lai rừng”.

Sau vài tiếng gọi của anh Chỉnh, những chú lợn lai rừng lông dựng đứng lập tức từ triền đồi tập trung về chờ ăn. Anh Chỉnh cho biết, với khởi đầu hơn 30 con thì chỉ thời gian ngắn nữa tổng đàn sẽ sinh sôi. Riêng tiền quây lưới sắt để nuôi lợn anh đã đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Trang trại mới đi vào sản xuất chưa lâu nhưng đã cho anh thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Đồn, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã được đơn vị triển khai đến 22 xã, thị trấn, với gần 3.000 hộ được vay vốn để phát triển sản xuất. Hiện tại, tổng dư nợ của chương trình trên địa bàn đạt hơn 66 tỷ đồng. Hàng trăm mô hình đã xuất hiện và được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Các hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình vay vốn này. Theo anh Ma Văn Dũng - Phó bí thư Huyện đoàn Chợ Đồn, dư nợ chương trình này do Huyện đoàn nhận ủy thác đạt gần 8 tỷ đồng với 322 hộ vay vốn. Có những hộ điển hình thu nhập cao khi sử dụng vốn vay để trồng rừng như hộ Lường Thị Hậu, Triệu Thị Lệ ở Bằng Lãng… Hầu hết đoàn viên, thanh niên khi đã định hướng được cách làm kinh tế thì đều rất phấn khởi khi được tiếp cận nguồn vốn vay của chương trình. Về phía Đoàn Thanh niên thì mong muốn mức vay tối đa được cao hơn trong thời gian tới.

Cần thêm vốn

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Trần Xuân Lễ cho biết, cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là một trong những chương trình cho vay có tốc độ tăng trưởng và nhu cầu vay lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, kế hoạch vốn của đơn vị đối với chương trình này chỉ có 5 tỷ đồng, khi thấy nhu cầu vay tăng cao, chi nhánh đã trình xin cấp thêm 25 tỷ đồng và đã giải ngân hết. Trong thời gian cuối năm 2013, chi nhánh tiếp tục xin cấp thêm 20 tỷ đồng nữa cho chương trình. Những bước tăng trưởng hiệu quả đó là cơ sở để đơn vị xây dựng kế hoạch vốn của chương trình trong năm 2014 lên con số 80 tỷ đồng trình Trung ương xem xét.

Tính đến hết tháng 9/2013, tổng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Bắc Kạn đã đạt gần 400 tỷ đồng. Lũy kế số khách hàng vay vốn từ đầu năm là 3.795 khách hàng đưa tổng số khách hàng còn dư nợ đạt 15.411 khách hang; tổng dư nợ trên địa bàn 8 huyện, thị xã đều đạt từ 30 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, Hội sở chi nhánh đạt hơn 33 tỷ đồng; huyện Chợ Mới đạt hơn 52 tỷ đồng; huyện Chợ Đồn đạt hơn 66 tỷ đồng; huyện Ba Bể đạt hơn 48 tỷ đồng; huyện Na Rì đạt hơn 52 tỷ đồng; huyện Ngân Sơn đạt hơn 43 tỷ đồng; huyện Bạch Thông đạt hơn 49 tỷ đồng và huyện Pác Nặm đạt hơn 35 tỷ đồng.

Vốn vay được khách hàng sử dụng đúng mục đích trong đó: tập trung vào phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VACR). Có thể kể ra các mô hình chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò; mô hình trồng rừng; nuôi cá… Các mô hình đều cố gắng phát huy lợi thế xây dựng trang trại quy mô vừa và nhỏ. Tính trung bình mỗi mô hình đều cho thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên. Giá trị kinh tế của các mô hình năm sau đều cao hơn năm trước và ngày càng phát triển. Nó cho thấy chương trình đáp ứng đúng nguyện vọng của đại bộ phận nông hộ đã thoát nghèo đang hướng tới làm giàu. Tuy nhiên, có thể nói lượng vốn so với nhu cầu vay là còn tương đối khiêm tốn. Về lâu dài NHCSXH cần xem xét nâng kế hoạch vốn và nâng cả hạn mức vay tối đa có thể lên đến 50 triệu đồng/hộ thì sẽ càng phát huy hiệu quả vốn vay.

Việc nhu cầu vay vốn Chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tăng cao là tín hiệu vui cho thấy đại đa số hộ gia đình sau khi thoát nghèo đã tiếp tục duy trì cách làm kinh tế từ vốn vay của ngân hàng. Từ đó, tiềm năng về đất đai, chăn nuôi được phát huy hiệu quả mang lại giá trị kinh tế bền vững. Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trong thực hiện chỉ là thiếu vốn, nếu như kế hoạch vốn được đáp ứng kịp thời tin rằng hiệu quả của chương trình này tại Bắc Kạn sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Tuấn Sơn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác