“Tiếp sức” duy trì làng nghề
“Khát” vốn
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Can, chị Phùng Thị Hợp thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân chia sẻ: “Năm 2008, gia đình được vay vốn Chương trình hộ nghèo 10 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ nghề rèn. Năm 2011, gia đình đã thoát nghèo và hoàn trả vốn vay cho Nhà nước. Mừng vì trả được nợ nhưng gia đình tôi lại đứng trước mối lo lấy đâu vốn để tiếp tục sản xuất. Cái nghèo vừa ra khỏi cửa đã có nguy cơ quay trở lại”. Đang lúc loay hoay không biết tìm nguồn vốn từ đâu để duy trì ổn định kinh tế gia đình thì anh chị may mắn được tiếp cận chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn. “Đầu tháng 6 vừa qua, gia đình tôi vay 30 triệu đồng dùng vào việc mua thêm máy mài (máy rèn), máy cán thép, máy cắt gọt kim loại, búa máy, máy dập nóng, dập nguội… để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm”, chị Hợp cho hay.
Ở làng nghề mộc Vân Hà, trước năm 2010 gia đình anh Lê Văn Tuấn, chị Nguyễn Thị Thu từng có cuộc sống rất khó khăn, vất vả có tới 5 miệng ăn, thu nhập chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê của anh chị. Năm 2009, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, NHCSXH cho vay 20 triệu đồng từ Chương trình hộ nghèo để mua máy cưa, máy bào, đục và nguyên vật liệu. Nhờ cần cù chịu khó, tiết kiệm chi tiêu, gia đình đã dành dụm trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng, có thêm chút vốn liếng để làm ăn. Mong muốn tiếp tục phát triển nghề truyền thống, vừa rồi gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ hộ cận nghèo, anh chị đầu tư mua thêm máy móc, nguyên liệu sản xuất khung cửa, trần nhà, bàn, tủ, ghế… thuê thêm nhân công mở rộng sản xuất. “Hiện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành mộc của tôi trừ hết chi phí, cho thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng, ngoài ra giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Trước cứ lo thoát nghèo rồi không có vốn lại tái nghèo, giờ thì yên tâm vì có cơ sở để thoát nghèo bền vững” - anh Tuấn tự tin nói.
“Tiếp sức” cho làng nghề
Lý Nhân có trên 80% dân số làm nghề truyền thống, với hơn 800 hộ gia đình làm nghề rèn và nghề mộc, tạo việc làm cho trên 2 nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Mấy năm về trước, các làng nghề gặp rất nhiều khó khăn, đối mặt với nguy cơ bị mai một do người dân không có vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị cũng như nguyên liệu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm làm ra chất lượng thấp nên khó khăn khi tìm đầu ra… Giờ, không giấu nổi niềm vui trước những đổi thay đáng kể của nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Nguyễn Ngọc Vụ chia sẻ với chúng tôi: “Vốn vay ưu đãi dành cho hộ cận nghèo đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều hộ gia đình tiếp tục phát triển sản xuất”.
Theo thống kê, toàn xã Lý Nhân có 299 hộ nghèo, 77 hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn chính sách. 16 hộ cận nghèo được các hội, đoàn thể bình xét, NHCSXH xét duyệt đã cho vay với số tiền lên tới 170 triệu đồng, được các gia đình nhanh chóng đưa vào sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, từng bước cơ khí hóa làng nghề để tăng năng suất, giảm sức người, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như gìn giữ những ngành nghề truyền thống mà ông cha để lại.
Có thể nói, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15 về tín dụng hộ cận nghèo là đúng lúc và kịp thời, ý Đảng đã hợp với lòng dân. Toàn huyện Vĩnh Tường có 1.600 hộ cận nghèo. Theo kế hoạch được giao năm 2013, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 360 hộ vay với số tiền trên 10 tỷ đồng, bà Vũ Thị Hồng Khuyên - Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Tường cho biết: “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa điều chỉnh lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo xuống còn 120% so với chương trình cho vay hộ nghèo, bà con rất phấn khởi và cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi”.
Bài và ảnh Tuấn Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Quảng Ngãi tiếp sức hộ cận nghèo
- » Na Hang phát triển cá chiên đặc sản
- » Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy viên HĐQT NHCSXH Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sóc Trăng
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thái Nguyên họp phiên thường kỳ
- » Đồng chí Hà Phúc Mịch - Ủy viên HĐQT NHCSXH kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên)
- » Gio Linh tập trung đầu tư phát triển cây hồ tiêu
- » Nông dân tích cực xây dựng Nông thôn mới
- » Ưng cái bụng người Mông
- » Vùng chè đổi mới nhờ tín dụng sinh viên
- » Vùng đồi Tiên Phước xanh tươi mãi