10 NĂM HỘI CCB VIỆT NAM THỰC HIỆN ỦY THÁC CHO VAY VỐN ƯU ĐÃI: Cựu chiến binh vững tin trên “mặt trận” giảm nghèo
Hội nghị do Hội CCB Việt Nam tổ chức vào sáng 11/7/2013 tại Hà Nội. Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cùng dự Hội nghị.
Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo
Báo cáo 10 năm vay vốn và thực hiện ủy thác do Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo trình bày, cho biết, tính đến ngày 30/5/2013, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH ủy thác qua Hội CCB Việt Nam đạt hơn 17.181 tỷ đồng với hơn 1,042 triệu hộ hội viên đang có dư nợ. Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã được hội viên CCB đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp… 10 năm qua, đã xuất hiện hàng ngàn điển hình CCB sử dụng hiệu quả đồng vốn vay thoát nghèo và vươn lên khá giả…
Năm 2006, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội CCB, ông Hoàng Văn Túc, hội viên thôn Nà Cóoc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo từ NHCSXH. Ông Túc dùng số vốn vay được đầu tư cải tạo hơn 2.000m2 ruộng lúa năng suất thấp sang làm ao nuôi cá. 5 năm trở lại đây, ao cá gia đình ông Túc luôn cho thu nhập 30 triệu đồng trừ chi phí.
Gia đình CCB Lê Văn Hoàng, ấp Tân An, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri (Bến Tre) cách đây chưa lâu vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2010, ông Hoàng được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH. Với số vốn vay được cùng với gom thêm 4 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình, ông Hoàng mua được cặp bò mẹ. Sau gần 1 năm, cặp bò mẹ này đẻ 2 bê con. Nuôi đủ lớn, ông Hoàng bán cặp bê được 26 triệu đồng. Hiện gia đình ông Hoàng phát triển được 3 con bò mẹ, trong đó 2 con sắp đẻ, 1 con mới đậu tinh. Ông Hoàng cho biết, từ khi vay vốn nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông có thêm khoản thu nhập hơn 20 triệu đồng. Thu nhập từ chăn nuôi của gia đình ông sẽ tăng lên vào các năm tới khi gây được đàn bò mẹ…
Theo Hội CCB Việt Nam, qua nắm tình hình ở các địa phương cho thấy, chỉ sau 1 - 3 năm vay vốn ưu đãi, hội viên không chỉ trả được nợ gốc và lãi mà còn có vốn tiết kiệm bằng hoặc cao hơn mức vốn vay ban đầu. Tại nhiều địa phương, nhờ triển khai tốt chương trình ủy thác cho vay, không chỉ dư nợ tín dụng tăng mà chất lượng tín dụng cũng ngày càng được nâng cao. Ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An cho biết, nếu như năm 2003, dư nợ vốn ưu đãi qua “kênh” Hội CCB trên địa bàn Nghệ An mới chỉ vỏn vẹn có hơn 33,3 tỷ đồng thì đến nay tổng dư nợ đã đạt tới hơn 1.172 tỷ đồng, tăng gấp 35 lần, bình quân mỗi năm tăng hơn 57.100 hộ được hưởng thụ. “Với tinh thần xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo, những năm qua nhờ được tiếp vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có trên 11.400 hộ hội viên thoát nghèo, 5.000 gia đình xóa nhà dột nát, giải quyết việc làm cho hơn 62.800 lao động, trên 30.000 học sinh, sinh viên được vay vốn theo học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học… Nhiều CCB thoát nghèo, vươn lên khá giả là tấm gương để bà con địa phương noi theo…”, ông Nguyễn Đình Minh cho hay.
Giải ngân vốn theo dự án kinh tế tiểu vùng
Triển khai các dự án kinh tế tiểu vùng sử dụng vốn vay ưu đãi là cách làm đã được Hội CCB Việt Nam và NHCSXH thống nhất thực hiện. Từ cách làm này đã cho hiệu quả tốt khi được triển khai thực hiện thí điểm ở một số địa phương như Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lai Châu… Tại 2 dự án chăn nuôi và nuôi cá với số vốn đầu tư ban đầu 800 triệu đồng do Hội CCB tỉnh Hòa Bình, sau 2 năm triển khai thực hiện đến nay đàn bò đã tăng thêm 100 con; 10 lồng cá phát triển tốt. Tại tỉnh Phú Thọ, Hội CCB đã xây dựng được 83 dự án cho các huyện, xã miền núi đặc biệt khó khăn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hội viên CCB xóa đói giảm nghèo hết sức thiết thực. Riêng huyện Thanh Sơn trong 3 năm phát triển được hơn 300 con trâu, bò, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Hiện, Hội CCB tỉnh Phú Thọ đang chỉ đạo các huyện làm tiếp 8 dự án sản xuất kinh tế tiểu vùng ở xác xã khó khăn, giải quyết được nhiều việc làm cho hội viên CCB… Ông Đinh Văn Thiện - Chủ tịch Hội CCB xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, năm 2006, dự án chăn nuôi bò sinh sản được NHCSXH giải ngân 500 triệu đồng cho 50 hộ vay. Sau 3 năm thực hiện, số bò dự án đã tăng lên 197 con, trị giá hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra bà con trồng được 1,6ha cỏ, tu sữa, làm mới 58 chuồng trại, 100% hộ vay đã trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn tạo niềm tin cho nhiều hộ khác ở địa phương về phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập…
Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện hoạt động ủy thác luôn được quan tâm. Các cấp Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai các họat động ủy thác vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, do đó tăng trưởng dư nợ nhanh, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Đối với các dự án đến hạn thu hồi nợ gốc, Hội đã chủ động phối hợp với NHCSXH thu hồi, nhanh chóng lập dự án mới để hộ nghèo có nhu cầu vay tiếp, đảm bảo sử dụng nguồn vốn quay vòng một cách tối đa và hiệu quả. Để nâng cao chất lượng tín dụng, ngày càng hoàn thiện mô hình ủy thác cho vay, các cấp Hội CCB phối hợp với NHCSXH tiến hành tập huấn nghiệp vụ vay vốn tín dụng ưu đãi; kiện toàn hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định; kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cũng như hiệu quả sử dụng vốn vay…
Phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay
Bên cạnh khẳng định ưu điểm của việc giải ngân vốn tín dụng ưu đãi theo dự án kinh tế tiểu vùng căn cứ vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, tại hội nghị, tham luận của nhiều đại biểu cũng đã đưa ra những kinh nghiệm, cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả họat động cho vay ủy thác. Ông Trương Quang Trung, Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Hưng (Long An) chia sẻ: “Có được vốn ưu đãi đã phấn khởi, nhưng phấn khởi hơn là thấy được hộ vay “hấp thụ” được vốn. Để làm được điều này, các cấp Hội CCB huyện Tân Hưng đã lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các chương trình khác của Hội về khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ KHKT cho hộ vay vốn. Hội đã tổ chức nhiều họat động hướng dẫn hộ vay vốn cách làm ăn, áp dụng KHKT vào sản xuất như kỹ thuật chăn nuôi bò, lợn, nuôi thủy sản, nuôi trăn, chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa…”. Đây là cách làm phổ biến nhằm nâng cao chất lượng tín dụng tại những dự án, địa phương sử dụng vốn chính sách do Hội CCB cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác tham gia ủy thác với NHCSXH. Tại tỉnh Nghệ An, để đảm bảo đồng vốn chính sách được sử dụng đúng mục đích, trong nhiều trường hợp, Hội CCB và Tổ tiết kiệm và vay vốn phải trực tiếp cùng với gia đình vay vốn đi mua giống vật nuôi, cây trồng, nguyên liệu, phân bón đưa về tận nhà, ra tận ruộng. “Nhiều trường hợp khác, Hội và cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cán bộ tập huấn kỹ thuật phải hướng dẫn tại chuồng trại, ruộng vườn theo cách “cầm tay chỉ việc” để hộ nắm được, áp dụng được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, qua đó sử dụng vốn hiệu quả…”, ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Ở góc độ tổ chức, Hội CCB nhiều địa phương đã củng cố, xắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định và coi đây là 1 trong những khâu then chốt để nâng cao chất lượng tín dụng. Bà Ngô Thị Thu Hiền - Chủ tịch Hội CCB huyện Chơn Thành (Bình Phước) cho hay: “Chúng tôi chỉ đạo Hội CCB cấp xã củng cố, sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cán bộ theo dõi phải bám sát các Tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn sai phạm như chiếm dụng, sử dụng vốn sai mục đích. Hội đã tiến hành tách bạch chức năng quản lý của Hội CCB cấp xã ra khỏi chức năng điều hành Tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo việc kiểm soát và đôn đốc họat động, phát huy vai trò độc lập của Tổ tiết kiệm và vay vốn…”.
“Tại Hội nghị, NHCSXH đã công bố Quyết định tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngân hàng; Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Quyết định vinh danh của NHCSXH cho các tập thể, cá nhân thuộc Hội CCB Việt Nam. Hội CCB Việt Nam cũng đã công bố các Quyết định khen thưởng cho 61 tập thể, 52 cá nhân đã có thành tích suất sắc trong việc thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi…”
|
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đánh giá cao nỗ lực của Hội CCB Việt Nam trong 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý khẳng định, 10 năm qua, cùng với NHCSXH, các cấp Hội CCB đã chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi tới 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó ưu tiên tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn. Vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho 12,3 triệu lượt hộ nghèo, trong đó có trên 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo; đã có trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, hơn 3 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động trên cả nước. Thay mặt lãnh đạo NHCSXH, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý cho biết, NHCSXH sẽ xem xét, đề xuất lên cấp trên giải quyết một số kiến nghị của các địa phương như nâng mức cho vay đối với một số chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường; điều chỉnh lãi suất phù hợp với tình hình tín dụng thương mại theo đúng quy định… Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lý cũng bày tỏ tin tưởng, trong những năm tới, Hội CCB Việt Nam tiếp tục phối hợp hiệu quả với NHCSXH trên cả 3 mặt công tác là làm tốt vai trò Ủy viên Hội đồng quản trị; tổ chức thực hiện họat động ủy thác và góp phần giám sát, phản biện hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi…
Đông Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 55 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo
- » Mở rộng "cửa" tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo
- » Trò nghèo thoát cảnh “đứt gánh giữa đường”
- » Bắc Kạn sau gần 3 tháng cho vay hộ cận nghèo
- » NHCSXH ký kết hợp tác với Vietinbank
- » Giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi
- » Bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI
- » Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 6 nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam
- » “Điểm tựa” thoát nghèo
- » Sáng nay, khai mạc Đại hội VI Hội Nông dân Việt Nam