Tín dụng chính sách hỗ trợ đắc lực cho công cuộc giảm nghèo ở Gia Lai

23/12/2024
(VBSP News) Nguồn vốn chính sách đã góp phần hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai, thực sự trở thành động lực giúp người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.
img-5503

Điểm giao dịch xã là địa chỉ tin cậy cho người dân Gia Lai vay vốn thoát nghèo

Đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
Tính đến thời điểm này, tổng dự nợ các chương trình tín dụng chính sách tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt gần 7.500 tỷ đồng, góp phần đưa dòng vốn ưu đãi của Nhà nước về khắp thôn làng, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào DTTS khó khăn ở phía Bắc cao nguyên miền Trung.
Ông Rơ Châm Blê ở làng Ba, xã Ia Pnôn tâm sự: Cách đây không lâu, cuộc sống của người dân bản địa vùng biên giới vẫn còn gian nan, thiếu thốn. Đang loay hoay tìm lối thoát nghèo, đồng bào được chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, đặc biệt được cán bộ NHCSXH huyện động viên giúp đỡ, kịp thời hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, cho thu nhập cao, giúp cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Những cán bộ tín dụng chính sách đã kề vai sát cánh với bộ đội biên phòng và cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hướng dẫn các hộ dân cách vay vốn thuận lợi, cách sử dụng vốn vay đầu tư cho việc thâm canh các loại cây cà phê, hồ tiêu, lúa nước. Từ đây, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia-Lai-3

Cán bộ NHCSXH thường xuyên bám sát cơ sở động viên hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích

Điển hình ở làng Pong, xã Ia Dơk, có ông Rơ Mah Mrao, dân tộc Gia Rai đã trở thành tỷ phú đầu tiên từ nguồn vốn chính sách. Hiện ông sở hữu 20ha cao su tiểu điền, 10ha điều, 3ha cà phê, 5 sào lúa nước hai vụ cùng đàn bò 20 con. Trong số hơn 230 hộ của làng Pong, có đến 2/3 số hộ khá và giàu lên từ nguồn vốn chính sách. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH huyện đưa về tận thôn làng, hỗ trợ kịp thời, cộng với việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đã làm “đòn bẩy” hữu hiệu, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, làm giàu chính đáng, địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Vợ chồng anh chị Siu Nhã và Đoàn Công Toàn ở tổ 6, thị trấn Chư Prông, cũng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Chị Nhã cho biết, thu nhập gia đình trước đây chỉ trông cậy vào việc làm thuê và 1ha cà phê già cỗi. Năm 2022, khi được vay vốn NHCSXH 80 triệu đồng, vợ chồng chị đã đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, sau 2 năm, khoản vay đã được trả hết. “Sau khi trả hết khoản nợ vay, đầu năm 2024, chúng tôi tiếp tục vay thêm 80 triệu đồng để đầu tư vào 1ha cà phê, 400 trụ tiêu và mua giống trồng thêm 2ha cà phê nữa. Hiện tại, điều kiện kinh tế gia đình đã ổn định và chúng tôi hy vọng sẽ thoát cận nghèo trong vài năm tới”, chị Siu Nhã chia sẻ.
Đưa tín dụng chính sách tới đúng và trúng đối tượng

Gia-Lai-4

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình đồng bào DTTS phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Từ Ngọc Thông khẳng định: Nguồn vốn chính sách triển khai trên địa bàn huyện đã đến đúng đối tượng và được sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, bình quân mỗi năm giảm gần 3% (tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 12%).
Từ một tỉnh có nhiều khó khăn về địa lý ở vùng cao, địa hình đồi núi nhiều, diện tích rộng lớn, hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS đông, trong những năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp Gia Lai thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Qua kết quả rà soát, toàn tỉnh hiện còn khoảng 23.886 hộ nghèo, chiếm 6,07%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 21.377 hộ, chiếm 12,71%. Tỷ lệ giảm nghèo năm 2024 của tỉnh là 2,04%, đạt 101,91% so với kế hoạch. Đặc biệt, hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5,43%, đạt 107% và 14/17 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện giảm nghèo đạt và vượt kế hoạch.
Đạt được những kết quả ấn tượng, theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lê Văn Chí, trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp chỉ đạo chi nhánh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đặc biệt qua 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; dòng vốn chính sách trên cao nguyên Gia Lai luôn được khơi thông, góp phần thiết thực giúp dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống. Mạng lưới 3.403 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn làng, tổ dân phố, hệ thống 218 Điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp địa bàn xuống tận các xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Hành trình đem lại những trái ngọt vẫn tiếp nối trên khắp thôn làng, mạch nguồn vốn chính sách  lan tỏa thực sự trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy cùng người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo góp phần tạo nên sức sống mới trên quê hương cao nguyên Gia Lai.

Bài và ảnh Minh Uyên

Các tin bài khác