Dòng vốn “ngọt” giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1: Những “cơn khát” vô hình)
Một thời khó khăn nhiều hơn sóng biển
Nhớ lại những ngày mới ra đảo, ông Trần Văn Hiên, Liên đội trưởng Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Bạch Long Vĩ không khỏi bồi hồi. Hơn ba mươi năm trước, nghe theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 62 cán bộ, đội viên trên mọi miền đất nước, chủ yếu đoàn viên thanh niên ở Hải Phòng đã xung phong tình nguyện đi xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội TNXP khi đó là nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở và xây dựng các công trình hạ tầng, trồng cây để đón dân ra đảo. Đặc biệt, các đội viên TNXP dùng sức trần đẩy những chuyến xe rùa chở đất đá để san lấp, đắp nền… trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để xây dựng cột cờ TNXP Bạch Long Vĩ - một trong những mốc dấu chủ quyền đầu tiên ở góc độ dân sự trên đảo. Kể từ giai đoạn này, đảo Bạch Long Vĩ đã có 9 đợt tuyển dân. Mối nhân duyên đặc biệt giữa chàng trai Thái Bình với Bạch Long Vĩ năm đó cũng se duyên cho mối tình với nữ TNXP Vũ Thị Hải Yến (quê Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Tình yêu đôi lứa hòa vào tình yêu nước, ông bà cùng các đội viên TNXP tiếp tục nhận các dự án xây nhà, đường sá, công viên, nhà công vụ… để phục vụ đời sống cho các hộ dân nơi huyện đảo.
Là một trong những hộ dân ra đảo từ ngày sơ khai, ông Trần Chí Tráng (khu dân cư số 1, huyện Bạch Long Vĩ) cho biết, trong một lần đánh bắt xa bờ, tàu của gia đình ông bị gãy chân vịt trôi dạt vào đảo. Đúng thời điểm này, chính quyền có chính sách khuyến khích ngư dân ở lại xây dựng đảo nên gia đình quyết định gắn bó với nơi này. Điều kiện sống thời điểm đó rất khó khăn, lượng nước rất hạn chế, có giếng cạn tới đáy, có người trèo xuống lấy nước tắm nhưng khi dội lên người toàn cát, sỏi. Đàn ông cạo trọc đầu, tắm ở biển, nhường nước ngọt cho phụ nữ. Mỗi ngày người dân được dùng nhờ điện của TNXP 30 phút để sinh hoạt, mãi sau này tầm 7-10h tối mới có điện để dùng. Thực phẩm không thể bảo quản nên bữa cơm của cả gia đình 5 người chỉ có muối vừng, cá khô, dưa cà muối.
Với lòng quyết tâm vượt khó và tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trải qua hơn 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, những bàn tay khối óc của quân - dân Bạch Long Vĩ đã biến những bãi cát sỏi đá cằn cỗi thành những dãy nhà, những hộ gia đình, khu chăn nuôi, vườn rau xanh tươi để ổn định cuộc sống.
Từ năm 2001, đảo bắt đầu sôi động khi âu cảng có sức chứa 100 tàu thuyền được khánh thành. Mỗi tháng, hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân khắp nơi vào tiếp nhiên liệu, lương thực, tránh trú bão. Sinh kế của người dân cũng mở rộng nhờ bán nước, xăng dầu, thực phẩm cho tàu cá. Cuộc sống của người dân trên đảo dần bứt phá từ năm 2016 khi Bạch Long Vĩ bắt đầu có điện 24/24h nhờ nguồn điện lai ghép gió - mặt trời - diesel - lưu trữ năng lượng được xây dựng. Người dân có điện để chạy tivi, tủ lạnh, điều hòa.
Cùng với đó, nguồn nước ngầm tìm thấy năm 2018 và hồ nước ngọt 60.000 m3 hoàn thành năm 2020 đã giải được bài toán thiếu nước. Nhiều nhà mở dịch vụ tắm nước nóng cùng các dịch vụ khác phục vụ tàu cá. Mỗi khi có gió mùa, nơi đây sáng đèn cả đêm, sôi động như thị trấn trong đất liền. Đặc biệt, năm 2020, tàu Hoa Phượng chính thức được đưa vào khai thác đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết về giao thông đi lại, việc vận chuyển hàng hóa giữa huyện đảo Bạch Long Vĩ với đất liền đã được thuận lợi, kịp thời, góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế xã hội, sớm đưa huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ.
Nhu cầu vốn trở nên cấp bách
Khi cơ sở vật chất dần hoàn thiện, chất lượng cuộc sống của người dân, ngư dân huyện đảo ngày càng được nâng cao thì nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh của người dân bắt đầu mở rộng. Cảm nhận hết tất thảy những đổi thay trong đời sống kinh tế của người dân trong từng thời kỳ, ông Phạm Văn Toan - một trong số 62 TNXP đầu tiên ra đảo cho biết, kể từ khi huyện đảo phát triển nhộn nhịp, các hộ dân có một “cơn khát” về nguồn vay vốn. Sống với nghề biển, nhu cầu lớn nhất là có tàu để vươn khơi nhưng giá lên đến vài tỷ đồng, ngư dân lấy đâu ra số tiền nhiều đến vậy; thời tiết biển đảo rất khắc nghiệt, có tàu rồi ngư dân vẫn cần vốn để bảo trì, sửa chữa, nâng cấp tàu đánh bắt dài ngày. Nếu không đi đánh bắt, người dân cũng cần vốn để mua - bán, tích trữ nhu yếu phẩm, mua tàu để bán xăng dầu, nhu yếu phẩm ngay trên biển… Chính vì vậy, họ rất mong chờ sự xuất hiện của các tổ chức tín dụng, ngân hàng để đáp ứng được nhu cầu đó trên huyện đảo.
Trước nhu cầu cấp thiết được đặt ra tại huyện đảo, chủ trương, chính sách từ Đảng, chính quyền TP. Hải phòng cũng bắt đầu đã có những gợn sóng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TP. Hải Phòng chia sẻ, mong muốn đưa nguồn vốn tín dụng ra Bạch Long Vĩ đã được các cấp chính quyền cũng như NHCSXH ấp ủ từ rất lâu. Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Hải Phòng, ông đã nhận được nhiều ý kiến liên quan đến phương án bố trí vốn ra huyện đảo nhưng để triển khai được gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, điều kiện đi lại quá khó khăn, phương tiện chính thống chỉ có tàu của quân đội và tàu chở hàng. Thứ hai, dẫn vốn ra đảo cần mang theo lượng tiền lớn trong một hải trình dài 7-8 tiếng quá nhiều rủi ro.
Khó khăn là vậy, song Bạch Long Vĩ có vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, mỗi người dân chính là “cột mốc chủ quyền sống” của quốc gia nên việc ưu tiên để người dân yên tâm phát triển kinh tế, bám biển, bám đảo là nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra. Do vậy, sau khi họp Ban đại diện quý III/2016, đồng chí trưởng ban đã yêu cầu khắc phục mọi khó khăn, đưa vốn tín dụng chính sách xã hội ra với huyện đảo.
Khoảng tháng 10/2016, ông cùng một số đồng nghiệp chính thức ra đảo bằng tàu chở hàng của ngư dân để khảo sát thực tế. Sau 12 tiếng ngồi trên tàu của ngư dân ra đảo, ông mới thực sự nhận thấy nhu cầu vay vốn, chuyển tiền của người dân rất lớn, nhất là cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, người dân không tiếp cận tín dụng ở các ngân hàng thương mại vì vướng hai lý do gồm tài sản thế chấp và hiệu quả sử dụng vốn vay. Người dân sinh sống trên huyện đảo không có tài sản thế chấp từ quyền sử dụng đất vì nhà cửa, đất đai thuộc quyền quản lý của Nhà nước; điều kiện đi lại khó khăn cũng khiến nhân viên ngân hàng khó nắm được thông tin về nhu cầu vay vốn, thẩm định tài sản cũng như bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả… Đây cũng là lý do vì sao kinh tế của huyện đảo đầy tiềm năng và phát triển sôi động, nhu cầu vay vốn, sử dụng dịch vụ lớn, UBND huyện đã mời một số ngân hàng ra khảo sát, thậm chí đã ký biên bản ghi nhớ nhưng chưa một ngân hàng nào lập chi nhánh tại đây.
Sau chuyến khảo sát thực tế dài ngày, ông Nguyễn Ngọc Sơn đã báo cáo TP. Hải Phòng xin giải ngân nguồn vốn vay đầu tiên lên đến vài tỷ đồng ra huyện đảo Bạch Long Vĩ. Từ giai đoạn xin nguồn vốn cho đến khi dòng vốn “ngọt” đến được tay người dân huyện đảo là cả một chặng đường đầy thử thách. Tuy nhiên nhờ có sự dẫn đường, chỉ lối từ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, các cán bộ NHCSXH, nguồn vốn vay đầu tiên và duy nhất đã chính thức có mặt tại huyện đảo từ tháng 11/2016.
Dòng vốn ưu đãi đến mang theo luồng sinh khí mới vào cuộc sống của người dân Bạch Long Vĩ. Dòng vốn tín dụng chính sách không chỉ là tiền mà còn là hy vọng, động lực để họ vươn lên phát triển kinh tế biển. Ngư dân giờ đây có thể đầu tư vào những chiếc tàu hiện đại, trang bị đầy đủ ngư cụ, tự tin vươn khơi khai thác hải sản; các hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi bến thuyền, mỗi mẻ cá đầy khoang đều là kết quả của sự nỗ lực của chính sách đúng đắn và của tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng. Nhờ đó, cuộc sống trên đảo tiền tiêu càng thêm khởi sắc, giúp họ yên tâm bám biển, bám đảo, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc hệ thống chính trị quốc phòng, an ninh khu vực huyện đảo, tạo niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh TP. Hải Phòng khẳng định.
Bài và ảnh Hương Giang
Các tin bài khác
- » Bài 3: Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
- » Bài 2: Khi mỗi người dân đều là “trợ công” triển khai chính sách
- » Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách