Chỉ thị số 40-CT/TW: Một quyết sách đột phá (Kỳ 1: Đổi thay vùng quê cách mạng)

05/12/2024
(VBSP News) Với lợi thế hiểm trở “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thái Nguyên đã trở thành vùng đất lịch sử chứng kiến bao trận đánh oanh liệt của quân ta. Hoà bình lập lại, nhân dân Thái Nguyên lại không ngừng cần cù sáng tạo trong lao động, gây dựng cuộc sống, quyết tâm thu hẹp khoảng cách vùng miền. Vùng quê cách mạng đang ngày càng đổi thay với các quyết sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, có đóng góp quan trọng của dòng vốn chính sách không ngừng nghỉ suốt hơn 22 năm qua.

Chỗ dựa của người dân nghèo vùng ATK
Theo chân cán bộ của phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hoá đến thăm gia đình anh Ngô Văn Đắc, thôn bản Mới, xã Kim Phượng hiện đang vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm, chúng tôi được kể về hoàn cảnh của một thanh niên nghèo kết hôn với hai bàn tay trắng. 17 năm trước, vợ chồng anh Đắc với quyết tâm thay đổi cuộc đời đói nghèo dai dẳng, đã vay 5 triệu đồng đầu tiên từ NHCSXH để nuôi nhím. Thế rồi, nhờ vốn mồi Nhà nước trao, vợ chồng anh càng có quyết tâm tìm tòi những mô hình làm kinh tế mới. Nhận thấy tiềm năng của việc trồng rừng, anh Đắc lại vay vốn từ NHCSXH để đầu tư hơn 1 ha trồng keo kết hợp nuôi dê, gà, mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng. Từ ngôi nhà nhỏ che nắng che mưa, giờ đây vợ chồng anh có ngôi nhà khang trang ấm cúng, hai đứa con được ăn học đàng hoàng.
Dẫn chúng tôi lên thăm rừng trồng keo, anh Đắc với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt rám nắng vì làm rừng nhưng nụ cười thường trực trên môi, tự hào kể với phóng viên về người con đang học Đại học Bách Khoa. “Ngân hàng chính sách là chỗ dựa của người dân nghèo như tôi, giúp chúng tôi có động lực để đổi thay cuộc đời, con cái được học hành đầy đủ”, anh Đắc chia sẻ.

image00120241205140605

Từ một thanh niên nghèo, anh Đắc đã giúp gia đình có của ăn, của để nhờ nguồn vốn chính sách

Không chỉ gia đình anh Đắc, nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn xã Kim Phượng cũng đã được vốn tín dụng chính sách tiếp sức trên chặng đường xoá đói, giảm nghèo. Nhờ đó, từ một xã còn nhiều khó khăn, Kim Phượng dự kiến năm nay sẽ đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 2-3%.
Ông Lý Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Phượng cho biết, trong nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành nguồn vốn tin cậy đối với bà con nhân dân, những lúc khó khăn, bà con tìm đến với ngân hàng chính sách thay vì tín dụng đen.
Thoát khỏi đói, nghèo, nhiều hộ gia đình còn vươn lên trở thành “tỷ phú” giữa vùng quê nghèo. Đó là anh Nguyễn Khắc Huy – một thanh niên trẻ của thôn bản Mới, từ hộ gia đình trong diện cận nghèo đến chủ của xưởng đóng gạch, sản xuất xi măng rộng hơn 2.000 m2. Anh Huy cho biết, số vốn đầu tiên được ngân hàng chính sách trao cách đây hơn 10 năm, anh gom góp cả tiền của người thân để mua máy đóng gạch nhỏ đầu tiên trị giá hơn 100 triệu đồng. Thế rồi khi đã có một số vốn, anh lại tìm đến ngân hàng chính sách để vay tiền mua máy đóng gạch to hơn, mua cả ô tô để chở nguyên vật liệu. Hiện nay, anh Huy mở rộng xưởng, sản xuất cả vạn gạch mỗi ngày, gần trăm tấn xi măng mỗi tháng, cho doanh thu từ 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng/năm. Xưởng gạch của anh Huy cũng tạo công việc ổn định cho 6 nhân công với thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi người/tháng.

image00320241205140622

Anh Nguyễn Khắc Huy đã từ hộ trong diện cận nghèo vươn lên làm giàu trên quê hương mình

Trên toàn huyện Định Hoá, ông Nguyễn Phúc Huệ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hoá cho biết, tổng dư nợ của toàn huyện đến hiện nay là hơn 760 tỷ đồng, là đơn vị có tổng dư nợ cao nhất trên toàn tỉnh. Những con đường dẫn vào các xã, bản của Định Hoá hôm nay, điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, những ngôi nhà vững chãi san sát nhau minh chứng cho cuộc sống của bà con Định Hoá đang ngày càng đầy đủ hơn.
Vốn là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thái Nguyên với 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 73%, Định Hoá bắt đầu hành trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Thế nhưng trải qua 13 năm nỗ lực, ngày 30/10/2024, tại Quảng trường ATK Định Hóa, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Đây không chỉ là niềm vui, tự hào đối với người dân Định Hoá, mà còn là thành quả, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên toàn huyện. Với xuất phát điểm là huyện có tỷ lệ nghèo đa chiều cao (32,23%), việc thực hiện công tác giảm nghèo để đáp ứng tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đạt chuẩn nông thôn mới <13% là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với huyện Định Hóa tại thời điểm xây dựng Đề án. Bằng việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; tỷ lệ nghèo đa chiều của các xã đáp ứng tiêu chí, góp phần xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Nói về thành quả này, lãnh đạo huyện Định Hoá khẳng định hoạt động của tín dụng chính sách trên địa bàn đã trở thành trụ cột của công tác xoá đói, giảm nghèo.
Gieo niềm tin nơi huyện nghèo
Tạm biệt Định Hoá, đoàn công tác di chuyển về Võ Nhai – huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên cách thành phố hơn 50 cây số, đây cũng là huyện nghèo nhất của tỉnh. Tuy có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng trước đây, người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai, nhất là các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đa phần trồng tre, nứa, phấn, vầu, mía, ngô… giá trị kinh tế thấp. Nay Võ Nhai đã đổi thay, những triền đồi, núi trồng ngô nay đã được thay thế dần bằng nhiều loại cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao hơn như bưởi, na và các loại cây lâm nghiệp khác.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng rõ ràng việc phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng bền vững nhằm phát triển kinh tế địa phương. Quyết tâm thay đổi huyện nghèo luôn có sự đồng hành bền bỉ của dòng vốn từ NHCSXH.

image00520241205140642

Bà Đặng Thị Lan cho biết sẽ tiếp tục vay vốn từ NHCSXH để đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả

Tiêu biểu như gia đình bà Đặng Thị Lan, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá, được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để trồng bưởi diễn và bạch đàn. Với hơn 1 ha bưởi, gần 1000 cây bạch đàn mang lại cho gia đình thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Cầm trên tay những quả bưởi diễn vàng mọng đang độ thu hoạch, bà Lan vui mừng cho biết, nhờ nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước, không chỉ gia đình bà mà rất nhiều người dân trong xóm đã có động lực để phát triển kinh tế. Con đường đất trong xóm nay đã thay bằng đường bê tông sạch đẹp, những gia đình trước kia đói nghèo nay cũng đã có của ăn của để.
Chị Nguyễn Hoàng Thanh Hoa – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tràng Xá vui mừng cho biết, những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với sự hỗ trợ của vốn từ ngân hàng chính sách cũng đã tìm tòi các mô hình kinh tế mới như chăn nuôi dúi, chim bồ câu… từ đó chẳng phải đi đâu xa, mỗi thanh niên cũng có thể phát triển trên chính mảnh đất quê hương mình. Như thanh niên trẻ Vũ Đức Hoàn, xóm Là Bo, xã Tràng Xá, hiện đang là chủ một xưởng gỗ ván bóc trị giá hàng tỷ đồng. Trước kia, anh Hoàn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để kinh doanh phân bón, khi khấm khá hơn, anh Hoàn mạnh dạn vay mượn thêm để đầu tư xưởng, vừa tạo việc làm cho gia đình, vừa thu mua nguyên liệu từ rừng keo của chính bà con trong xã. Đến nay, mỗi năm anh thu về khoảng 400 triệu đồng, trở thành hộ khá giả trong xóm.

image00720241205140701

Xưởng gỗ của thanh niên trẻ Vũ Đức Hoàn đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương

Là Trưởng ban giảm nghèo của xã, bà Chu Thị Lệ Hiền, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết, hằng năm tỷ lệ giảm nghèo của xã đều đạt 2-3%, đến năm 2019 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Trên toàn huyện Võ Nhai, với 15 điểm giao dịch tại 15 xã, thị trấn, dòng vốn tín dụng chính sách đã có mặt ở tất cả những nơi có người dân nghèo, thu nhập thấp. Lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai cho biết, hiện với 17 chương trình tín dụng đang thực hiện, với 12.210 hộ đang còn dư nợ, nguồn vốn tín dụng chính sách NHCSXH đã thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người dân nghèo toàn huyện. Đã 72.173 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó đã góp phần giúp cho 11.363 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 894 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học; 3.073 lao động tiếp cận chương trình cho vay giải quyết việc làm; 323 căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách…
Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đã có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ cuối năm 2014 từ 38,8% xuống cuối năm 2024 là 12,06%, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua.

Bài và ảnh Quỳnh Trang

Các tin bài khác