Bài 3: Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Điều này có thể cảm nhận rõ qua việc nhiều chính sách tín dụng đã được ra đời trong thời gian này góp phần hình thành một hệ thống các chương trình tín dụng chính sách đủ rộng và sâu để nâng đỡ từng đối tượng yếu thế vươn lên phát triển kinh tế bền vững cũng như vượt qua những rủi. Mức vay các chương trình tín dụng cũng được điều chỉnh nâng lên cho phù hợp với nhu cầu thực tế…
Đặc biệt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù mặc dù mới đi vào cuộc sống từ ngày 10/10/2023, song đã trao cho những người lầm lỗi cơ hội và niềm tin phục thiện xây dựng cuộc đời mới đầm ấm và hạnh phúc. Như bà Lê Thị Hồng Loan, tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kmar (Đắk Lắk), nguyên cán bộ một ngân hàng. Vừa mua đất lập vườn sầu riêng để khi về hưu có thu nhập không vướng bận con cái, thì bị liên đới trong vụ việc một cán bộ tín dụng chiếm dụng vốn của khách hàng và đi thi hành án 4 năm. Con trai bà đang làm nhân viên ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh, bỏ hết sự nghiệp trở về quê vừa để có điều kiện gần gũi chăm sóc mẹ vừa trông coi vườn sầu riêng vừa mới hạ cây xuống.
Ngày trở về, kinh tế eo hẹp, bà muốn vay vốn ngân hàng để tiếp tục phát triển vườn sầu riêng của mình song cũng đầy lo lắng bởi không biết có nơi nào cho người ra tù hay không. Đang loay hoay thì đúng dịp có chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho những người mà đi cải tạo mới về để có một nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. “Nhờ sự quan tâm của NHCSXH, cũng như công an của địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ cho tôi vay được 100 triệu đồng. Lúc ấy tôi thấy rất vui mừng và xúc động vì không nghĩ mình đi về như vậy lại được hưởng chính sách của Nhà nước, cũng như các cơ quan ban, ngành người ta quan tâm và động viên cố gắng làm ăn, chứ không có kỳ thị. Từ đó, bản thân mình cũng thấy tự tin làm ăn. Đến nay 2ha với 400 cây sầu riêng đã phát triển xanh tốt và đã có 40 - 50 cây bói quả. “Dự định năm nay thu thì chừng khoảng 200 triệu đồng. Hy vọng sang năm thì mình sẽ thu được nhiều hơn”, bà cho biết.
Hay như chương trình học sinh sinh viên, việc mở rộng đối tượng và nâng mức vay đã giúp học sinh nghèo “không bị bỏ lại phía sau” trên con đường tiếp cận tri thức, đồng thời góp phần vào việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đưa Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Em Vũ Văn Anh, lớp 106214 Khoa Cơ khí Động lực của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cư trú tại Thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu cho biết nhà có 3 anh em đang tuổi ăn, tuổi học, trông cả vào việc cha mẹ đi làm thợ xây. Nhưng bước vào năm học thứ 2, mẹ của Anh bị bệnh tim nặng, gánh nặng gia đình đặt cả lên vai bố của Anh. 12 triệu đồng làm thợ xây mỗi tháng chẳng đủ mua thuốc cho mẹ Anh cùng chi phí sinh hoạt. “Nếu không vay được nguồn vốn tín dụng HSSV năm đó, gia đình cũng không có nguồn thu nào thêm cho cháu đi học, chắc phải bỏ học”, bà Lê thị Nga mẹ của Anh cho biết. Cũng nhờ nguồn vốn HSSV, đến nay Vũ Văn Anh đã bước vào năm học thứ 4 và tiếp tục hỗ trợ em trai của Anh được theo học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tháng 10 vừa qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Lê Huy cho chỉ riêng 10 năm trở lại đây, đã có hơn 6.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tín dụng chính sách, giúp các em có cơ hội học tập, phấn đấu cho tương lai đồng thời đây cũng là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Hưng Yên trong hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, NHCSXH đã vượt qua khung khổ của một “cánh tay nối dài” của Chính phủ, địa phương triển khai tín dụng chính sách, mà còn trở thành một lực lượng phản ứng và thực thi chính sách nhanh của NHCSXH góp phần đảm bảo an sinh xã hội duy trì và thức đẩy nhịp phát triển kinh tế của đất nước. Như trong trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đã tham mưu và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tính đến cuối năm 2023, NHCSXH đã đưa Nghi quyết số 43/2022/QH15 đến 3.332.020 khách hàng, dư nợ giải ngân được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 158.994,38 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 2.993,89 tỷ đồng. Giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến 31/12/2023 đạt 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022 với trên 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị.
Việc gắn tín dụng chính sách với chiến lược phát triển quốc gia, địa phương cũng đưa tín dụng chính sách trở thành điểm tựa tạo sâu gốc bền rễ cho phát triển đất nước. Như ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ xóa đi dấu tích của một địa phương với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu trở thành một đô thị mới phát huy những lợi thế đặc trưng và riêng có mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Phan Ngọc Độ, khu phố Tân Thành 2, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, từng có thời điểm sở hữu tới 3 chiếc tàu cá, cuộc sống gia đình ông không phải diện thiếu thốn. Nhưng sau đại dịch Covid-19, năm 2022 cũng như bà con ngư dân địa phương, gia đình ông gặp khó khăn khi thu nhập sản lượng đánh bắt hầu như không có, lại thêm thời vụ đã tới mà hỗ trợ nhiên liệu của nhà nước chậm khiến nguồn tiền để chuẩn bị hậu cần đi đánh bắt, rồi tu bổ tàu ra khơi của ông bị thiếu hụt.
“Nghe NHCSXH có thông báo, tuyên truyền chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tôi mạnh dạn đăng vay vốn với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mua thêm ngư lưới cụ để tiếp tục tham gia khai thác thuỷ hải sản xa bờ (câu cá ngừ đại dương). Cứ nghĩ là đăng ký thôi nhưng chỉ một ngày sau họ gọi lên xem xét và làm hỗ sơ, rồi trong mấy hôm sau điện tôi tới ký giấy, giao tiền. Lúc đó tôi rất mừng và phấn khởi, thấy mình có thêm động lực ra khơi”, ông Độ kể. Cũng từ thực chứng của mình, là một thành viên trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá phường Tam Quan Bắc, ông giới thiệu cho ngư dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và vươn khơi bám biển mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống.
“Món vay không lớn, nhưng điều mà tôi cũng như ngư dân cảm thấy mừng là nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với những ngư dân đánh bắt xa bờ từ đó chúng tôi có thêm lòng tin về Đảng về Nhà nước tiếp tục vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”, ông tâm sự.
Những câu chuyện tương tự có thể tìm thấy trên khắp cả nước khi nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH cung ứng đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Để “không ai bị bỏ lại phía sau” việc triển khai, thực hiện chính sách giảm nghèo, tập trung giải quyết nhóm nghèo, vùng nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc là cơ sở vững chắc nhất bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân. Từ thực tiễn triển khai và thách thức cho thấy, cần tiếp tục xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW, cần có những giải pháp căn cơ đồng bộ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách, trong suốt quá trình phát triển đất nước và từng địa phương.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Bài 2: Khi mỗi người dân đều là “trợ công” triển khai chính sách
- » Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ
- » Cao nguyên Mộc Châu giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Chúc mừng Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Truyền thống