Đưa vốn chính sách về vùng khó

19/08/2024
(VBSP News) Tuyên Quang là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Một bộ phận người nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS chưa mạnh dạn vay vốn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; một số địa phương còn thiếu các mô hình lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án, khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao công nghệ với hoạt động vay vốn.
tuyen quang

Cán bộ NHCSXH huyện Sơn Dương giải ngân vốn vay cho người dân tại Điểm giao dịch xã Vĩnh Lợi

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh, các xã vùng sâu, vùng xa đã có diện mạo mới, trong đó, nguồn vốn chính sách với vai trò là trụ cột trong giảm nghèo và là đòn bẩy giúp người dân phát triển sản xuất. Thông qua NHCSXH, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng; tư vấn, hướng dẫn sinh kế, bảo đảm hộ vay phát huy được hiệu quả đồng vốn, cải thiện đời sống.
Gia đình bà Bàn Thị Hương ở thôn Bản Lục, xã Đà Vị, huyện Na Hang những năm về trước kinh tế khó khăn vì thiếu vốn sản xuất. Với việc được vay vốn hộ nghèo 100 triệu đồng từ NHCSXH, bà Hương đã đầu tư trồng 3ha rừng mỡ kết hợp với chăn nuôi. Con trai bà Hương nhờ nguồn vốn vay xuất khẩu lao động từ NHCSXH cũng vừa đi xuất khẩu lao động hồi tháng 8 - 9/2023 đã bắt đầu có thu nhập 10 triệu đồng/tháng gửi về giúp gia đình. Bà Hương cho biết: “Nguồn vốn chính sách thật sự là nguồn lực quan trọng đối với gia đình tôi. Từ có vốn, giờ gia đình đã bớt khó khăn, xây dựng được mô hình làm kinh tế. Trẻ, già trong gia đình tôi đều có việc làm và sẽ nỗ lực để phấn đấu làm căn nhà mới, ổn định cuộc sống lâu dài”.
Hiện nay, xã Đà Vị đã có 735 hộ vay vốn chính sách với tổng dư nợ cho vay là 40,92 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo 22,06 tỷ đồng; hộ cận nghèo là 6 tỷ đồng; xuất khẩu lao động là 1,5 tỷ đồng; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 4,53 tỷ đồng… Chủ tịch UBND xã Đà Vị Trần Ngọc Lĩnh cho biết: Nguồn vốn chính sách là nguồn lực để địa phương đưa một số cây trồng có hiệu quả vào sản xuất như: Sâm, cam, bưởi và triển khai mở rộng, phát triển các sản phẩm OCOP như bún khô truyền thống của đồng bào Tày, măng khô… Cùng với đó, vốn tín dụng chính sách cũng đang góp phần đẩy mạnh xuất khẩu lao động địa phương, giúp cải thiện đời sống người dân, mà quan trọng hơn sau khi trở về họ đã có nghề tiếp tục làm tại các khu công nghiệp, công ty nước ngoài, bảo đảm đời sống lâu dài.
Chị Dương Thị Luyến ở thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn là một trong những hộ người H’Mông trẻ tuổi có xưởng dệt vải thổ cẩm. Chị Luyến cho biết: Vợ chồng chị được vay vốn 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Yên Sơn cộng với vay anh em, bạn bè; qua 2 năm phát triển, nghề này đã mang lại cho vợ chồng chị thu nhập ổn định có triển vọng phát triển lâu dài cho nên hai vợ chồng tập trung làm; số tiền lời mới được khoảng 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng công việc ổn định lại được làm ở nhà cho nên đỡ vất vả hơn nhiều. Chị mong tiếp tục được vay vốn của ngân hàng để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân trong bản.
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Phan Vỹ, trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã giải ngân cho 227.103 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với tổng số tiền đạt hơn 8.525 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; giúp cho 72.350 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo… Nhận thức của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đã có sự thay đổi tích cực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay trong sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm sự ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Phạm Thị Nhị Bình cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện đã chuyển hơn 7,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của huyện, ủy thác sang NHCSXH huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Qua triển khai, nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, góp phần ổn định chính trị-xã hội, tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Bài và ảnh Hải Chung

Các tin bài khác