Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại NHCSXH
Những năm gần đây, Tài chính toàn diện (TCTD) đã trở thành vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ thuận tiện và phù hợp cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược TCTD quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã xác định rõ mục tiêu tổng quát của chiến lược là: Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Tại NHCSXH, khách hàng chủ yếu là người nghèo và các đối tượng chính sách, sinh sống chủ yếu tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…Vì vậy, NHCSXH có vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức là đối tượng chính sách đặc biệt, là nhóm dân cư thiệt thòi và nhóm thu nhập thấp, góp phần mở rộng tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm và dịch vụ tài chính chính thống trên nền tảng kỹ thuật mới với chi phí hợp lý. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chọn đề tài “Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại NHCSXH” để nghiên cứu.
Với đối tượng khách hàng chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, những người yếu thế, khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại, NHCSXH đã phát triển nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của người dân. NHCSXH đang cung cấp hơn 20 chương trình cho vay phục vụ các đối tượng và nhu cầu khác nhau như cho vay người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động…Ngoài các sản phẩm tín dụng, NHCSXH còn có các sản phẩm dịch vụ khác như dịch vụ chuyển kiều hối sử dụng dịch vụ Western Union, dịch vụ mở tài khoản, đặc biệt là sản phẩm tiết kiệm được thiết kế riêng cho những người nghèo và đối tượng chính sách. Đó là sản phẩm tiết kiệm cho người nghèo tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn. NHCSXH rất chú trọng đào tạo tài chính cho các đối tác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt tham gia giáo dục tài chính cho khách hàng qua các hình thức và hoạt động khác nhau. Hiện tại, NHCSXH đang phục vụ một khối lượng lớn các khách hàng tài chính vi mô, bao gồm gần 7 triệu khách hàng đang còn dư nợ, hơn 8 triệu tài khoản vay vốn và 6 triệu tài khoản tiết kiệm, trong đó gần 90% khách hàng hiện đang sinh sống, sản xuất kinh doanh nhỏ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu vực miền núi. NHCSXH giao dịch với khách hàng ít nhất mỗi tháng một lần (vào ngày cố định của tháng) tại các điểm giao dịch xã. Các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện tại của NHCSXH chủ yếu tập trung vào tín dụng và tiết kiệm. Bên cạnh đó, NHCSXH đã triển khai dự án thử nghiệm dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động để phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy Tài chính toàn diện cũng còn những tồn tại, hạn chế đến từ chủ thể cung ứng, chủ thể sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính, cũng như từ cơ chế, chính sách của Nhà nước; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thúc đẩy Tài chính toàn diện tại NHCSXH. Giải pháp đưa ra cho 3 nhóm chỉ tiêu có liên quan, với tổng cộng 13 giải pháp. Đồng thời, đề tài cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung tới Chính phủ, bộ ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong việc hỗ trợ NHCSXH trong quá trình hoạt động, góp phần thực hiện thúc đẩy tài chính toàn diện tại NHCSXH.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để đưa kết quả đề tài ứng dụng vào thực tiễn.
Với những nghiên cứu rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình phát triển NHCSXH, đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc.
PV
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Bài 3: Tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng bền vững
- » Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Thanh Hóa (Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân)
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Hà Nam
- » Tăng sức bền cho phát triển kinh tế Thủ đô
- » Trên 307 nghìn lượt hộ ở Thái Nguyên được vay vốn ưu đãi giảm nghèo