Đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân

06/07/2024
(VBSP News) Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu được tăng cường, khơi thông, đến gần hơn với người dân, giúp hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách có việc làm và thu nhập ổn định.
z5603614427064_5520a39fbddacc0d5975c3a3d7ae62cf_1720151237073

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Lò Văn Cửu ở bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản

Thời gian qua, Tỉnh ủy luôn xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, trong đó, chú trọng nâng cao vao trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Dấu ấn rõ nét nhất là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc lồng ghép, phối hợp giữa chính sách tín dụng ưu đãi với các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, thu nhập.
Ông Lò Văn Cửu ở bản Nậm Cầy, Xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, năm 2004, tôi lập gia đình, đến năm 2008 vợ chồng tôi tách ra ở riêng. Được cán bộ NHCSXH huyện tuyên truyền về các chương trình tín dụng của Đảng và Nhà nước, tôi mạnh vay 15 triệu đồng mua 1 con trâu cái. Kết hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hàng năm tôi tiết kiệm mua thêm 2 con bò để chăn nuôi. Đến năm 2015 đàn trâu, bò của gia đình tôi có 6 con. Năm 2016, tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để mua 5 con bò sinh sản; chủ động liên kết, lập nhóm hộ nuôi bò sinh sản trong bản, tự trồng cỏ để làm thức ăn cho bò, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, sau 3 năm gia đình tôi có 10 con bò, 6 con trâu”.
Đến đầu năm 2020, gia đình ông thoát hộ cận nghèo, đã trả hết nợ và tiếp tục vay 50 triệu đồng chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển chăn nuôi. Năm 2023, ông vay thêm 80 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để đào ao thả cá. Được cán bộ Trung tâm khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, sau hơn 1 năm bình quân mỗi con nặng trên 1kg, sản lượng cá thương phẩm thu được gần 1 tấn, gia đình tôi thu về trên 70 triệu đồng. Ngoài ra quanh bờ ao, ông trồng các loại cây ăn quả như chuối, xoài, nhãn, mít để phục vụ gia đình và tăng thêm thu nhập. Đến nay, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, hằng năm gia đình tiết kiệm được từ 70 - 100 triệu đồng. Hiện tại cuộc sống, kinh tế gia đình được nâng lên, nhà cửa được xây dựng khang trang, các con tôi được ăn học đầy đủ.
Cùng với ông Cửu, anh Nguyễn Văn Hiếu ở khu 1, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ cũng thành công với mô hình chăn nuôi hươu sao. Anh Hiếu chia sẻ: “Từ 100 triệu đồng vốn vay của NHCSXH huyện tôi đã mua 6 con hươu ở Hà Tĩnh về nuôi. Được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật cùng với tích cực học hỏi phương pháp nuôi hươu sao trên sách, báo, đến nay gia đình tôi đã phát triển được 14 con hươu. Năm vừa rồi, gia đình tôi thu nhập đạt trên 150 triệu đồng, tôi cảm ơn nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH nhiều lắm, nếu không có nguồn vốn ấy, không biết khi nào chúng tôi mới thoát được nghèo khó vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương”.
Trong 10 năm qua, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và triển khai tích cực của NHCSXH, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các thôn, bản, khu phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến hết ngày 30/6 đạt trên 3.848 tỷ đồng (năm 2024), tăng hơn 2.750 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2014.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thanh Hà cho biết: Việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng xã hội trong thời gian quan đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tại địa phương, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2014 - 2024. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, xây dựng được 39/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, phát triển mô hình sản xuất tập trung như chăn nuôi đại gia súc, trồng trọt, bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng…
Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW được triển khai đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt nghèo, thay đổi cuộc sống, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội dành cho người nghèo của Đảng. Góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Bài và ảnh Bình Minh

Các tin bài khác