Giải bài toán việc làm, thu nhập cho người nghèo

07/06/2013
(VBSP News) Trước đây, bài toán chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, xóa nghèo cho người dân bờ sông Nghèn do bị mất ngư trường đánh bắt hải sản, chưa tìm ra lời giải đối với lãnh đạo các xã ở 3 huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Can Lộc (Hà Tĩnh). Mãi đến năm 2010, được sự hỗ trợ của NHCSXH và Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư của tỉnh, xã Thạch Sơn thuộc huyện Thạch Hà chọn 10 hộ nghèo ở xóm Sơn Tiến thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá chẽm trên sông, đời sống người dân mới dần ổn định, bộ mặt làng chài nơi đây thực sự khởi sắc.
Nuôi cá lồng bè trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân Thạch Sơn

Nuôi cá lồng bè trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân Thạch Sơn

Theo đó, mỗi hộ dân được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư đóng một cụm lồng gồm 4 ô, thể tích 108m3, thả nuôi 1.000 con cá giống/cụm lồng. Trong quá trình nuôi, được cán bộ của Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh. Do vậy, kết quả sau 6 tháng mỗi hộ thu hoạch đạt từ 0,8 - 0,9 tấn cá thương phẩm, bán với giá 75 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí tiền giống, thức ăn, công lao động… thì mỗi hộ còn thu lãi trên 25 triệu đồng.

Từ kết quả chăn nuôi cá chẽm bước đầu của các hộ, đặc biệt lại được ngân sách địa phương hỗ trợ và NHCSXH cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho các dự án nuôi cá chẽm trên sông Nghèn (bình quân mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 30 triệu đồng: 20 triệu đồng vay NHCSXH và 10 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách của UBND tỉnh theo Quyết định 26 của UBND tỉnh, giao cho NHCSXH giải ngân và quản lý theo quy trình nghiệp vụ cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã ban hành). Các xã dọc hai bên bờ sông Nghèn đã được tiếp sức nguồn vốn ưu đãi phát triển nghề nuôi cá chẽm, trong đó: kể riêng xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã nhân rộng mô hình lên tới 180 hộ được vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi vào nuôi cá chẽm. Gần 3 năm triển khai dự án, sau mỗi đợt nuôi thả (6 - 8 tháng), trừ các chi phí, lãi ròng từ 60 - 70 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, nâng cao đời sống và trả hết nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn.

Từ thành công của phong trào sử dụng vốn vay ưu đãi lồng ghép với kỹ thuật nuôi cá chẽm trên sông Nghèn ở xã Thạch Sơn, năm 2012, hàng trăm hộ dân ở các xã Lộc Hưng, Lộc Bình… của huyện Can Lộc cũng sử dụng hàng tỷ đồng vốn vay của NHCSXH triển khai việc nuôi cá lồng nước ngọt trên sông với các loại cá dễ thích nghi với môi trường sống trong lồng bè và có giá trị kinh tế cao như cá lồng, cá tre, cá chẽm. Tính đến thời điểm này, vùng ven sông Nghèn thuộc địa phận huyện Can Lộc có 385 chiếc lồng cá được đầu tư bằng nguồn vốn ưu đãi để thả nuôi, trong đó: nhiều hộ đã kiên cố hóa lồng nuôi bằng việc đầu tư lồng ống tuýt sắt không rỉ, vừa kéo dài tuổi thọ lồng, vừa đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Hữu Niêm - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn nói: “Thành công của quá trình chuyển đổi nghề, xóa nghèo ở vùng quê ven sông Nghèn, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo, nhân dân địa phương, còn phải kể đến sự hỗ trợ quan trọng về nguồn vốn chính sách của Chính phủ thông qua NHCSXH. Chính đồng vốn đã góp phần xây dựng thành công mô hình nuôi cá trên sông và đã tạo cú hích giúp xã Thạch Sơn vượt qua khó khăn, có được sự đổi thay như hôm nay”.

Ông Chủ tịch xã còn cho biết, để nâng cao hiệu quả đồng vốn trong quá trình nuôi cá nước ngọt, mới đây xã Thạch Sơn đã thành lập 8 Hợp tác xã ở các thôn, xóm nhằm giúp đỡ nhau vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả và hỗ trợ về mặt kỹ thuật phát triển sản xuất, cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi cá trên sông.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi và tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình nuôi cá chẽm đã góp phần giúp các xã ven sông Nghèn ở Hà Tĩnh giải được bài toán xóa nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng nông thôn.

Bài và ảnh Hồ Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác