Đổi thay xứ đạo Thanh Thạch
Thanh Thạch là một xã miền núi, rẻo cao, hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Toàn xã có 467 hộ thì có tới 431 hộ theo đạo công giáo (chiếm tỷ lệ trên 92%). Thanh Thạch có diện tích 3.200ha, nhưng trong đó chỉ có 121ha gieo trồng lúa nước và hoa màu, còn lại chủ yếu đất đồi núi cằn cỗi, bạc màu. 6 - 7 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã trên 64%.
Nhờ được hưởng lợi từ chương trình 135 của Chính phủ, xứ đạo Thanh Thạch ngày một đổi mới, trước hết về cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, chợ, trụ sở xã được xây dựng khang trang. Thanh Thạch là xã đầu tiên của huyện Tuyên Hóa có trạm y tế được xây dựng 2 tầng và hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Gần 11km đường liên thôn, liên bản được bê tông hóa với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Minh Đề - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa: “Đặc thù của huyện phần lớn diện tích rừng và đất rừng. Bởi vậy, chiến lược phát triển kinh tế là chú trọng trồng rừng và mở rộng diện tích trồng, nhằm tận dụng tối đa lợi thế sẵn có của địa phương”. Điều rất đáng mừng, trong những năm gần đây, chiến lược của huyện miền tây Quảng Bình được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trồng rừng trở thành mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào việc xóa nghèo. Tính đến nay, toàn huyện có gần 6.700ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai. Năm 2012, Tuyên Hóa đưa vào khai thác 500 ha rừng trồng, giá trị thu được gần 30 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách của huyện. “Con số 30 tỷ đồng từ rừng trồng là nguồn thu không nhỏ đối với một địa phương miền núi còn nghèo” - Chủ tịch huyện Hoàng Minh Đề khẳng định.
Được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, trong những năm qua Thanh Thạch đã trồng được hơn 350ha rừng keo. Riêng về nguồn vốn vay từ NHCSXH, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nguyên cho biết: tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến nay đạt gần 5 tỷ đồng, trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm 88%, bình quân mỗi hộ được vay 10,3 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, 800 lao động ở Thanh Thạch được giải quyết việc làm tại chỗ; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 47%. Nhiều giáo dân đã thoát nghèo một cách bền vững, trở thành chủ trang trại. Gia đình anh Nguyễn Hồng Thơ là một ví dụ.
Năm 2000, anh Thơ được xuất ngũ, trở về địa phương với đồng vốn còm cõi, nhưng lại giàu nghị lực và ý chí thoát nghèo. Anh mạnh dạn phá khu vườn tạp để trồng rừng, lập chuồng trại chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tích cóp được đồng nào anh lại đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng rừng. Năm 2005, anh được nhận 2,5ha đất trống đồi núi trọc để lập trang trại; được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, anh trồng các loại cây ăn quả như bưởi Phúc Trạch, vải thiều Lục Ngạn… diện tích còn lại trồng cây trầm. Có vốn, có sức anh mua tiếp hơn 4ha đất đã giao khoán cho các hộ gia đình khác, để trồng rừng trong thời hạn 50 năm. Sau đó, anh chuyển hầu hết diện tích đất rừng sang trồng cây keo lai. Hiện trang trại của gia đình anh Nguyễn Hồng Thơ có 23 lợn nái, 60 con lợn thịt và đàn gia cầm hơn 200 con, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Nhưng, tài sản lớn nhất của ông chủ rừng là 7ha rừng trồng. Chỉ 2 năm nữa, khi rừng keo lai cho thu hoạch anh sẽ có lãi khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Ở xứ đạo Thanh Thạch những người như anh Thơ không phải hiếm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2016, trung bình mỗi năm bà con thu từ rừng trồng được khoảng 6 tỷ đồng. Sau mùa thu hoạch là đến mùa trồng rừng, kế hoạch hàng năm của xã cứ bán 100ha rừng thì trồng mới 150 - 200ha. Cứ thu hoạch và trồng mới luân phiên như thế, đồng vốn vay của ngân hàng sinh sôi. Vốn vay ít mà rừng nhiều. Mặt khác, nhu cầu về gỗ nguyên liệu chắc chắn không thể dừng lại, nên bà con tin tưởng gắn bó với việc trồng rừng.
Bài và ảnh Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thủ tục giải quyết công việc của hệ thống NHCSXH
- » Chi nhánh NHCSXH TP. Cần Thơ góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
- » Động lực làm nên nhiều mô hình hiệu quả
- » Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo
- » Thông báo về việc thay đổi giao diện trang thông tin điện tử
- » Hậu Giang nâng cao chất lượng tín dụng
- » Hội Phụ nữ xã Mậu Duệ giúp hội viên vay vốn
- » Giảm nghèo ở Việt Thành
- » Phụ nữ cao nguyên Chư Sê với nguồn vốn vay
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Ninh họp phiên thường kỳ