Nghĩa Đàn tăng trưởng bền vững
Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, vì chịu ảnh hưởng của suy thoái; thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng vẫn xẩy ra… nhưng, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Giá trị sản xuất bình quân người/năm đạt 21,5 triệu đồng, tăng 10,25% so với năm 2011; tổng thu ngân sách đạt gần 34,7 tỷ đồng, bằng 200,17% so kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 2,45%, xuống còn 20,55%…
Theo ông Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện, với hơn 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp xóa nghèo bền vững. Một trong những biện pháp quan trọng mang lại hiệu quả đó là sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nhiều loại cây trồng như mía, cao su, cam, dưa hấu đã gắn bó với người nông dân và trở thành cây thoát nghèo ở Nghĩa Đàn. Nhiều mô hình có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, như: trồng mía năng suất cao ở xã Nghĩa Yên, Nghĩa Hồng do NHCSXH huyện thực hiện; phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía tại xã Nghĩa Liên; trồng cây cao su ở Nghĩa Lạc, Nghĩa Yên. Về chăn nuôi, mô hình nuôi lợn thịt theo hướng GAP tại xã Nghĩa Hội, chăn nuôi dê ở xã Nghĩa Lạc với gần một nghìn con đem lại lợi ích kinh tế cao, thu nhập 1 năm khoảng 50 - 70 triệu đồng/hộ, tạo điều kiện thuận lợi để giúp các hộ thoát nghèo một cách bền vững.
Gia đình chị Đinh Thị Yên ở xóm 1, xã Nghĩa Yên trước đây thuộc diện hộ nghèo, ở trong căn nhà xiêu vẹo. Năm 2006, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng và được hướng dẫn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Từ một con trâu mẹ, chị đã có thêm 4 con trâu con. Nhờ tiền bán trâu, có vốn chị đầu tư trồng 1ha dưa hấu. Đến nay, gia đình chị vừa nuôi trâu, chăn nuôi lợn, gà, vừa trồng dưa hấu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Nhờ vậy, chị đã làm được nhà, sắm xe máy và mua nhiều vật dụng trong gia đình. Tiếp khách trong một căn nhà khang trang, chị Yên bộc bạch: “7 - 8 năm trước tôi không dám mơ tới, nếu không được vay vốn từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chăn nuôi” (!)
Theo ông Phan Văn Phú - Chủ tịch UBND xã, thì chị Đinh Thị Yên không phải là trường hợp điển hình ở Nghĩa Yên. Toàn xã đến thời điểm này có dư nợ của NHCSXH là 17,7 tỷ đồng, với 7 chương trình cho vay, 934 hộ hiện còn dư nợ. Để đồng vốn vay của các hộ được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, xã mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời 17 Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả để nhân rộng các mô hình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 55% (2003) đến nay còn 33,8%.
Không chỉ nông dân mới có nhiều mô hình kinh tế, thanh niên Nghĩa Đàn với các phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” có gần 100 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng/năm, chủ yếu làm trang trại, chăn nuôi dê, trâu, bò… Huyện đoàn đã phối hợp với NHCSXH nhận ủy thác 47 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp với trung tâm dạy nghề mở hướng cho thanh niên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Đến thời điểm này, tổng dư nợ đạt 262 tỷ đồng, NHCSXH huyện Nghĩa Đàn cho vay 9 chương trình. “Thời gian tới Nghĩa Đàn tiếp tục nhân rộng các mô hình xóa nghèo bền vững, phát huy vai trò tích cực của NHCSXH huyện trong việc hỗ trợ nguồn vốn và góp phần định hướng phát triển kinh tế cho người dân” - ông Phan Tiến Hải - Phó bí thư huyện ủy Nghĩa Đàn khẳng định.
Hồ Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đất, nước sinh hoạt
- » Chỗ dựa đáng tin cậy
- » NHCSXH Xuyên Mộc đã đưa nợ quá hạn xuống dưới mức 1%
- » Hà Tĩnh thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ
- » "Nhờ đồng vốn chính sách, bản làng tôi đã thay đổi"
- » Vốn tín dụng học sinh, sinh viên nơi địa đầu Tổ quốc
- » Giảm nghèo ở Phượng Tiến
- » Giúp người dân tại tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo
- » Ấn tượng NHCSXH ở tỉnh Lâm Đồng
- » Thế vươn mình ở một xã bãi ngang