65 năm ngành Ngân hàng thực hiện lời dạy của Bác

06/05/2016
(VBSP News) Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn. Lần đầu tiên nước ta có một Ngân hàng của Nhà nước Dân chủ Nhân dân. Đó là kết quả của quá trình xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động tiền tệ, tín dụng ở nước ta.

chutichhochiminh18052015110

Trải qua 65 năm xây dựng, củng cố và phát triển, ngành Ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vượt muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập.

65 năm cũng là chặng đường ngành Ngân hàng tự hào về truyền thống đạo đức, truyền thống cách mạng tốt đẹp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Hòa trong dòng lịch sử vẻ vang ấy, lần đầu tiên trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam và lịch sử ngân hàng trên thế giới đã hình thành một định chế tài chính đặc biệt của Nhà nước chuyên phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, đó là Ngân hàng Phục vụ người nghèo trước kia và nay là NHCSXH.

Trên mỗi chặng đường hoạt động, NHCSXH luôn nỗ lực không ngừng và ngày càng khẳng định được vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.

Mới chỉ đóng góp một phần vào lịch sử 65 năm của ngành Ngân hàng Việt Nam nhưng hệ thống NHCSXH đã tạo dựng được một vị thế, niềm tin trong lòng dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ. Đây cũng chính là phần thưởng cao quý nhất, là niềm tự hào, động lực phấn đấu để các thế hệ cán bộ NHCSXH hôm nay và mai sau nguyện tiếp bước cha anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; xứng đáng với những lời dạy của Bác như trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính ngày 23/2/1952: “… Cán bộ tín dụng - Phải kiểm điểm lại: Đã làm những gì và còn phải làm những gì để giúp ích nhân dân, để đẩy mạnh sản xuất?… Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân…”.

BBT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác