Tự hào trang sử 65 năm ngành Ngân hàng
Trong không khí cả nước sôi nổi lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, sáng 26/4/2016 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ III. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ ngân hàng cùng nhìn lại những bước đường đã qua, ôn lại truyền thống của ngành, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhìn về tương lai.
Buổi lễ vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự buổi lễ có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc NHNN.
Tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế; các cơ quan thông tấn, báo chí…
Về phía ngành Ngân hàng, có đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đương nhiệm; các đồng chí nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Thống đốc, nguyên Phó Tổng Giám đốc, nguyên Phó Thống đốc NHNN qua các thời kỳ; các đồng chí cán bộ lão thành Cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ an toàn khu (ATK), cán bộ Quỹ đặc biệt B29, Ban liên lạc B68, N2653, C32; Ban liên lạc các chuyên gia giúp Lào - Campuchia; Ban liên lạc hưu trí tại Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ và tương đương thuộc NHNN; lãnh đạo các tổ chức Đảng, đoàn thể của NHNN; các doanh nghiệp thuộc NHNN; Giám đốc, nguyên Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các Hiệp hội trong ngành ngân hàng; đại diện Đoàn Thanh niên, sinh viên ưu tú của Học viện Ngân hàng…
Ngành Ngân hàng vui mừng và trân trọng được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đại Quang - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành…
Ôn lại truyền thống hào hùng của Ngành trong 65 năm qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cách đây 65 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay, mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vẻ vang của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Nhìn lại 65 năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam rất phấn khởi và tự hào về những thành tích, đóng góp của ngành đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập và thống nhất tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia cam go và khốc liệt cũng như trong những năm tháng hòa bình, ngành Ngân hàng đã từng bước khắc phục những khó khăn trong thời chiến, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của ngành trong việc xây dựng hệ thống tiền tệ - ngân hàng ngày một vững mạnh; đóng góp nguồn tài lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc; huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước; từng bước ổn định giá trị đồng tiền; cải thiện đời sống của nhân dân.
Trong suốt quá trình phấn đấu gian khổ đó, nhiều thế hệ cán bộ Ngân hàng đã nêu cao phẩm chất cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính; nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành. Đã có hàng vạn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa cách mạng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Ngân hàng, có hàng trăm cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên nhiều mặt trận…
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để kinh tế đất nước từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng từng bước đổi mới và hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành, công nghệ và dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, chúng ta đã phát triển được hệ thống ngân hàng đa sở hữu và một thể chế ngân hàng tương đối hoàn chỉnh, khuôn khổ pháp lý điều tiết hoạt động ngân hàng liên tục được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng ngày càng được nâng cao; chính sách tiền tệ được hoạch định và điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; hệ thống giám sát an toàn hoạt động ngân hàng ngày càng hoàn thiện đồng bộ hơn; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Ngân hàng được mở rộng và phát triển, góp phần thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế đất nước.
“Ngành Ngân hàng tự hào về những đóng góp quan trọng trong việc đẩy lùi và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo, thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cũng bày tỏ tin tưởng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, kế tục xứng đáng truyền thống của ngành, tiếp tục ghi thêm những trang sử vẻ vang, góp phần cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngân hàng đã có nhiều cống hiến to lớn, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những công lao, đóng góp của ngành Ngân hàng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đánh giá cao những thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ III.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc 65 năm qua.
Đặc biệt, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn đi tiên phong, không ngừng nỗ lực sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất và tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn hệ thống; tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng tin tưởng, bằng việc phát huy truyền thống 65 năm vẻ vang, với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết nhất trí và nhiệt huyết đổi mới, năng động, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với cương vị là người đứng đầu ngành Ngân hàng trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đại diện cho các thế hệ cán bộ Ngân hàng đi trước, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm chia sẻ: “Tôi thấu hiểu nhiệm vụ nặng nề ngành Ngân hàng với những khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng phải trải qua, những thành tựu mà ngành phải đánh đổi bằng bao tâm huyết, sức lực, sự hy sinh thầm lặng”.
“Hôm nay, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng dù còn nhiều tồn tại, hạn chế nhưng ngành Ngân hàng đã luôn làm tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển, hội nhập của đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo suốt 65 năm”, nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Thay lời của những thế hệ đi trước, nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm cũng gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng cao tới các thế hệ đi sau sẽ tiếp tục vững bước đưa ngành Ngân hàng phát triển nhanh, mạnh, sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.
4 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành. Theo dõi, dự báo sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước. chủ động thực hiện và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách phù hợp. Điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ; giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển bền vững. Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các TCTD gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển KT - XH. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và hiệu quả hoạt động, chú trọng các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro của các TCTD, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống. Tích cực thực hiện các giải pháp phát triển mạnh hệ thống thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần tăng cường minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền. Ba là, tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí, bảo đảm lãi suất cho vay phù hợp, tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại thường xuyên, thực chất với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. |
Nhóm PV TBNH
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ra mắt Cuốn sách Lịch sử Ngân hàng Việt Nam và khánh thành Phòng trưng bày tiền Việt Nam
- » Hành trình về với cội nguồn của Ngành
- » Các thế hệ ngành Ngân hàng dâng hương tưởng nhớ cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng
- » Thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Bộ Chính trị bổ nhiệm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
- » Đồng chí Lê Minh Hưng trúng cử Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
- » Khánh Hòa: Kết nối những “Cặp lá yêu thương”
- » “Cặp lá yêu thương” đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Khánh Hòa
- » Chúc mừng 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội