Về nơi nguồn cội

05/05/2016
(VBSP News) Những hạt mưa bụi cuối mùa lắc rắc theo gió phủ lên núi rừng Tuyên Quang gam màu phong sương. Sáng lên trong bức tranh bàng bạc ấy là màu đỏ rực rỡ của những lá cờ Tổ quốc mà người dân vùng căn cứ địa cách mạng này luôn treo khắp nơi như một niềm tự hào và ghi nhớ về một Thủ đô kháng chiến năm nào.
Cách đây 65 năm, ngày 6/5/1951, tại lán Hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”

Cách đây 65 năm, ngày 6/5/1951, tại lán Hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”

“Những gì mang ý nghĩa gốc tích, dù không có điều kiện tái hiện tất cả những hiện vật lịch sử trước đây, nhưng ít nhất cũng có những địa điểm để ghi nhận một giai đoạn, một thời kỳ, là rất đáng trân trọng. Lại càng quý hơn khi chủ trương xây dựng di tích lịch sử của ngành Ngân hàng được chính các cán bộ, nhân viên trong Ngành ủng hộ, đóng góp từ lương của mình…”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã trò chuyện như vậy khi trên đường đi kiểm tra các công trình chào mừng kỷ niệm thành lập Ngành cùng đoàn cán bộ ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đây, khu căn cứ địa cách mạng huyền thoại Tân Trào, huyện Sơn Dương. Tại nhà sàn của Bác Hồ ở Hang Bòng, các cán bộ trong đoàn không khỏi bùi ngùi trước sự giản dị đến kham khổ, trước những hy sinh lớn lao của Vị cha già kính yêu của dân tộc cũng như các thế hệ cha anh ngày đó. Ngôi nhà gần hang đá ẩm đến mức bây giờ dù phục dựng theo đúng mẫu hình nguyên thủy, song tre lá chỉ có ở phần trên, các trụ phía dưới phải làm bê tông giả gỗ tránh mục. Đây cũng là một trong 300 địa điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại Tuyên Quang và ra những quyết định quan trọng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951).

Và tại Hang Bòng này, chủ trương thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng đó đã được hiện thực hoá vào ngày 6/5/1951 với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL.

Ngược lại con đường về thành phố, cũng trên địa bàn huyện Sơn Dương, chúng tôi đến thôn Tân Thành, xã Minh Thanh (xưa là làng Cảy, xã Minh Khai). Đây là nơi làm việc của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ tháng 4/1952 đến tháng 10/1954 với sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc Lê Viết Lượng.

Những ngày tháng trước khi ở Minh Thanh, trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia đặt tại xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hoá. Đây cũng là địa chỉ thứ 2 mà đoàn đã chọn trong chuyến đi về nguồn. Vượt qua những cung đường cua tay áo, đoàn công tác đến với mảnh đất “khởi nghiệp” của Ngành, giờ chuyển tên thành thôn Quang Hải, xã Vinh Quang. Theo lịch sử Ngành ghi lại, ngay sau khi có Quyết định thành lập, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chuyển đến ở và làm việc tại nhà dân ở đây từ tháng 5/1951 đến tháng 3/1952.

Đây cũng là thời gian gắn liền với một quãng đời hoạt động của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, được Trung ương giao kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (lúc đó có biệt danh là Anh Cả Đỏ), ông là một tấm gương sáng về sự khiêm tốn, giản dị, cán kiệm, liêm chính của người cán bộ ngân hàng. Những hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống tiền tệ tín dụng độc lập, thống nhất, phát huy vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ tập trung giải quyết vấn đề nguồn lực cho kháng chiến, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta sớm đến ngày thắng lợi.

Chỉ khoảng đất trống trước bia di tích, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trầm ngâm, bởi trải qua thăng trầm lịch sử và bom đạn chiến tranh, cảnh vật kiến trúc ngày ấy giờ không còn. Cảnh quan đã nhiều thay đổi. Hai mươi năm trước, theo các đổng chí vào Ngành từ những năm 1951 về nguồn khi đó, Phó Thống đốc được nghe kể lại rằng khu vực trước kia là nhà ở, nhà làm việc, nhà bếp, hội trường của Ngân hàng Quốc gia, nay là nhà ở và khu vườn cây ăn quả, vườn rừng của gia đình ông Đoàn Văn Thống. Việc bảo tàng tỉnh đã kiểm kê khoa học, đặt bia ghi dấu sự kiện và làm thủ tục đề nghị xếp hạng di tích là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia càng thôi thúc NHNN cùng toàn thể cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng quyết định chung sức xây dựng bia di tích lịch sử này.

Tâm tư, ước nguyện của Lânh đạo ngành Ngân hàng và các thế hệ cán bộ, nhân viên vể việc lưu giữ lịch sử bằng hình ảnh càng trở nên thấm thìa, khi không ít người của các TCTD ngay trên địa bàn, cũng chưa một lần đặt chân đến những di tích này. Nhất là với di tích ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, trước đây nếu không có chi dẫn, không có người mô tả, thì khó có thể hình dung Ngân hàng Quốc gia nằm ở vị trí nào.

Bởi vậy, việc tôn tạo di tích lịch sử Ngành không chỉ là hoàn thành công trình xây dựng bia di tích ở thôn Quang Hải và tôn tạo di tích tại xã Minh Thanh trong dịp Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngành, mà tới đây, ngành Ngân hàng sẽ mở rộng khu di tích tại xã Minh Thanh với nhà truyền thống, sinh hoạt cộng đồng để các cán bộ, nhân viên trong Ngành, cũng như khách tham quan có một nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông cũng như của ngành Ngân hàng Việt Nam một thuở.

Dòng vốn tín dụng của ngành Ngân hàng đã và đang bền bỉ cùng những người dân vùng căn cứ địa cách mạng bước qua cái nghèo

Dòng vốn tín dụng của ngành Ngân hàng đã và đang bền bỉ cùng những người dân vùng căn cứ địa cách mạng bước qua cái nghèo

Ngày về nguồn càng thêm ý nghĩa khi đoàn đi kiểm tra các dự án an sinh xã hội cho 2 xã Vinh Quang và Minh Thanh. Đến nay Minh Thanh vẫn là một xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135 với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,31%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 33%. Còn với xã Vinh Quang, dù chỉ có 3/16 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, song địa bàn có tới 9 dân tộc anh em cùng chung sống trong đó người Tày chiếm 43,86%, Nùng chiếm 2,31%… Dân số đông (7.470 khẩu) trong khi đất sản xuất nông nghiệp ít nên việc bước qua cái nghèo càng thêm khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ giảm được 5,7% trong 5 năm qua, từ 47,15% năm 2010 xuống 41,44% năm 2015.

Chính bởi vậy, bên cạnh việc xây dựng, đặt nhà bia tại thôn Tân Thành, các cán bộ, nhân viên trong Ngành đã tài trợ chỉnh trang nhà văn hoá và lớp học tại đây, vốn là những công trình mà họ đã đóng góp xây dựng những năm trước.

Còn tại thôn Quang Hải, xã Vĩnh Quang, với kinh phí xã hội hoá từ nguồn đóng góp lương của cán bộ công nhân viên trong Ngành, ngành Ngân hàng đã tài trợ xây dựng điểm trường mầm non cho thôn với 3 phòng học khép kín cùng khu hiệu bộ. Nhiều hộ gia đình trong thôn như anh Vũ Ngọc Ánh, từ nay sẽ yên tâm hơn khi đưa con đến trường trong những lớp học khang trang, thay vì các phòng học cũ ọp ẹp đang tróc từng mảng tường, trụ trước đây của thôn. Và các cháu ở 2 thôn liền kề khác cũng sẽ được chuyển đến đây học tập.

Dòng vốn tín dụng của ngành Ngân hàng đã và đang bền bỉ cùng những người dân vùng căn cứ địa cách mạng bước qua cái nghèo. Như gia đình ông Đỗ Xuân Trọng, cái cảnh nghèo khó cứ đeo đẳng suốt, cho đến tận năm 2010 khi ông được tham gia vay vốn ưu đãi của NHCSXH. 3 năm sau ông đã thoát nghèo. Niềm vui còn gấp bội khi 2 con ông được theo học đại học từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Sơn Dương. Cậu con trai của ông hiện đang làm việc tại Đài Loan, còn cô con gái đã lấy chồng và làm việc tại Hà Nội. Gia đình ông giờ thêm vững chãi với ngôi nhà xây kiên cố khép kín, cùng nguồn thu nhập ở nghề nuôi cá và không còn nợ ngân hàng.

Với những người dân không thuộc đối tượng chính sách, cơ hội phát triển kinh tế cũng không vì thế mà hẹp lại bởi nguồn vốn rẻ từ các TCTD, đặc biệt là Agribank đã có mặt trên từng địa bàn huyện.

Hiện 100% các xã, thị trấn, phường trên địa bàn tỉnh đểu có nhân viên Ngân hàng phụ trách về công tác tín dụng. Không chỉ chăm chút cho hoạt động của mình, những năm qua ngành Ngân hàng còn trở thành cầu nối thu hút đầu tư cho tỉnh Tuyên Quang cũng như khu vực Tây Bắc qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư thường niên để đến hôm nay, Tuyên Quang đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội.

Bằng cả tâm huyết với mảnh đất lịch sử này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết vùng căn cứ địa cách mạng này luôn được ngành Ngân hàng quan tâm, sẵn sàng có ưu tiên, ưu đãi hơn.

Không chỉ là công tác an sinh xã hội, giải quyết ngay khó khăn trước mắt đối với người nghèo, vùng căn cứ cách mạng và các cơ chế chính sách chung cho các tỉnh Tây Bắc khó khăn, mà NHNN sẵn sàng ủng hộ cả về cơ cấu, nguồn vốn, kể cả đầu tư trung dài hạn cũng như những điều kiện tốt nhất để giúp Tuyên Quang phát triển nhanh. Dòng vốn dụng của ngành Ngân hàng đã và đang bền bỉ cùng những người dân vùng căn cứ địa cách mạng bước qua cái nghèo.

Ghi chép của Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác