Xuôi về nơi tận cùng Tổ quốc
Trợ lực sản xuất, tạo sức bền cho nông thôn mới
Là một xã thuần nông nằm cửa ngõ của huyện Giồng Riềng, với đất nông nghiệp chiếm 3.686ha chiếm tỷ lệ 83,83%, 4.241 hộ dân với 18.028 khẩu, trong đó đồng bào Khmer chiếm 29%, đồng bào Hoa chiếm 3,4%, con đường xây dựng nông thôn mới của Long Thạch không dễ dàng. Năm 2011 xã cũng mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, việc làm, môi trường là những nút thắt không dễ giải. Thế rồi những mô hình phát triển kinh tế mới được xã đưa về, cùng với đó là dòng chảy tín dụng chính sách ngày càng mạnh và rộng đã giúp người dân thỏa cơn khát vốn, phát triển sản xuất. Cuối năm 2017, xã Long Thạch, huyện Giồng Riềng, đã trở thành xã thứ 11/19 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Theo chân Đoàn công tác của NHCSXH tới khảo sát tình hình hoạt động tín dụng của xã. Vẫn thấy chủ đạo màu xanh thuần nông ấy, nhưng càng sâu vào trong xã, thăm các hộ dân lại thấy ẩn chứa một sức sống mới từ những mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng sen, đến những mô hình kinh tế hộ như nuôi gà sinh học, hoa kiểng, trồng nấm rơm, đan giỏ lục bình… vốn được khởi tạo và nuôi dưỡng nhiều năm qua.
Chủ tịch UBND xã Long Thạch, Huỳnh Văn Thái Huỳnh cho biết đến ngày 31/3/2019, dư nợ toàn xã đạt trên 18 tỷ đồng với 31 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện và UBND xã đã phối hợp chặt chẽ để quán triệt, triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách đến hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng, góp phần cùng với địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách dặm dài phát triển đã giúp cho trên 1 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn; góp phần giúp cho trên 300 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 80 lao động; giúp cho trên 200 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trên 700 công trình nước sạch và công trình vệ sinh… Đưa thu nhập bình quân của xã đạt 44 triệu đồng/người.
Chứng kiến hoạt động tại Điểm giao dịch xã Long Thạnh, nghe báo cáo của Tổ giao dịch xã, kiểm tra quy trình tiếp cận vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Lãnh đạo NHCSXH đánh giá cao sự cố gắng, vượt khó của NHCSXH huyện Giồng Riềng trong việc chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Những nỗ lực đó đã góp phần thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Động viên bà con vay vốn sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, kiến nghị của Chủ tịch UBND xã về việc tăng nguồn vốn ưu đãi cho vay trên địa bàn xã thời gian tới, ngay lập tức đã được Lãnh đạo NHCSXH đồng ý bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và hộ cận nghèo và cải thiện vệ sinh môi trường của người dân trên địa bàn, mở rộng, từng bước thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới bền vững. Đối với các chương trình tín dụng khác, NHCSXH huyện Giồng Riềng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn của hộ vay để chủ động báo cáo, đề nghị bố trí nguồn lực cho vay đúng đối tượng, tránh cho vay nhỏ lẻ, dàn trải gây lãng phí vốn.
Khơi phá tiềm năng, tạo sức bền phát triển kinh tế
Những bứt phá của một xã không có ưu thế nổi trội của tỉnh Kiên Giang là biển, đồng bào DTTS gần gấp đôi mức trung bình của tỉnh đã phát huy tốt lợi thế từ nguồn vốn tín dụng chính sách càng làm sáng rõ hơn hiệu ứng tín dụng chính sách mà NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã triển khai trong những năm qua trên toàn tỉnh.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 1,9 triệu người, 440.442 hộ dân, trong đó DTTS là 66.521 hộ, chiếm 15%. Trong những năm qua, cùng với việc phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm luôn được tỉnh quan tâm và đã đặt thành một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó các chương trình tín dụng từ NHCSXH đã góp phần thúc đẩy người dân phát triển kinh tế và cộng hưởng nguồn lực thực thi các chính sách giảm nghèo khác.
Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu với tổng dư nợ là 80 tỷ đồng. Đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh và huyện, thành phố ủy thác. Tổng doanh số cho vay đạt 8.577 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến 31/3/2019 đạt 3.243 tỷ đồng, tăng 3.163 tỷ đồng và gấp 39 lần so với năm 2002, với 156.186 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 21 triệu đồng/hộ.
Những con số trong báo cáo càng thêm rõ tác động tích cực và thiết thực của tín dụng chính sách đối với đời sống của nhân dân. Trong hơn 16 năm qua đã có gần 571 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn góp phần giúp cho trên 66 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 125 nghìn lao động; giúp cho trên 54 nghìn HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; trên 180 nghìn hộ được xây dựng công trình cung cấp NS&VSMTNT; xây dựng gần 9 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và trên 13 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; trên 73 nghìn lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn SXKD,… Đây cũng là trợ lực trọng yếu đưa tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2018 của tỉnh giảm về 38.849 hộ, chiếm tỷ lệ 8,82% trên tổng số hộ dân (trong đó 18.252 hộ nghèo, tỷ lệ 4,14% và 20.597 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,68%).
“Tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, góp phần khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện điều kiện sinh hoạt, đi lại, học hành cho các tầng lớp nhân dân. Người nghèo và vùng nghèo cải thiện điều kiện kinh tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá.
Trước sự quan tâm của tỉnh, để việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả cao trong những năm qua, Lãnh đạo NHCSXH nhấn mạnh: “Đặc biệt, gần 5 năm qua, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ra đời thì việc quan tâm, chỉ đạo của tỉnh đối với hoạt động của chi nhánh ngày càng được quan tâm. HĐND và UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối bổ sung nguồn vốn cho chi nhánh. Hàng năm, UBND tỉnh và 15 huyện, thành phố chuyển nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay; đến nay, tổng số vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh, huyện còn nhận được sự hỗ trợ về bố trí đất để xây dựng trụ sở làm việc để có điều kiện phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và đối tượng chính sách, góp phần phát triển kinh tế tỉnh”.
Hướng tới sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, NHCSXH đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp cùng chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang thực hiện tổ chức sơ kết, làm cơ sở để tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 toàn quốc.
Để hiện thực hóa những mong muốn và tiếp thu ngay những đóng góp của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền đoàn thể các cấp, tại buổi làm việc với tập thể NHCSXH tỉnh Kiên Giang để nhìn lại tình hình hoạt động của chi nhánh trong năm 2018 và đề ra những giải pháp hữu hiệu thực hiện thành công kế hoạch năm 2019, Lãnh đạo NHCSXH nhấn mạnh “Năm 2019 là năm thực hiện sơ kết 5 năm Chị thị số 40, do vậy chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát, tham mưu kịp thời, hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40 chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn và thực hiện tốt Kế hoạch sơ kết”. Lãnh đạo NHCSXH yêu cầu chi nhánh Kiên Giang bám sát, tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững để cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của chi nhánh và tham mưu, phối hợp, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Việc mở rộng huy động vốn và cho vay cần gắn liền với các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách. Lãnh đạo NHCSXH nhấn mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, đặc biệt là chất lượng hoạt động của hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn và tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới cơ sở,…là một trong những điểm tựa để tín dụng chính sách ngày càng vươn xa đến các đối tượng thụ hưởng và gia tăng hiệu quả dòng chảy tín dụng chính sách.
Bài và ảnh Thái Hòa
Các tin bài khác
- » “Đòn bẩy” giúp phụ nữ thoát nghèo
- » Kết quả bước đầu triển khai nâng mức cho vay tối đa hộ nghèo
- » Đạo Trù ngày càng “nở rộ” nhiều nông dân giỏi
- » Khẳng định thương hiệu nhờ vốn vay ưu đãi
- » Sống khỏe với làng nghề
- » Cặp lá yêu thương trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
- » Kiên cường ở quê hương chị Sứ anh hùng
- » Kon Tum giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Cú hích để phát triển kinh tế gia đình
- » Kế hoạch tổ chức và Thể lệ Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019