Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho biết, trong 10 tháng năm 2024 chi nhánh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; tổ chức giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ các nhu cầu thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh Đồng Nai đạt 1.877 tỷ đồng, bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023, với 40.766 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 1.161 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng, với 127.431 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 5.694 tỷ đồng, tăng 716 tỷ đồng (14,4%) so với đầu năm; bình quân dư nợ cấp huyện đạt 521 tỷ đồng/đơn vị, bình quân dư nợ cấp xã đạt 33,5 tỷ đồng/đơn vị, bình quân dư nợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 2.197 triệu đồng/tổ và bình quân dư nợ khách hàng đạt 44,7 triệu đồng/hộ. Chất lượng tín dụng chính sách được duy trì, củng cố, nâng cao. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỉ lệ 0,21% tổng dư nợ.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 10 năm qua chi nhánh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện tham mưu HĐND, UBND cùng cấp chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2024 sang NHCSXH ngay từ đầu năm để kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 1.550 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nguồn vốn, tăng 1.436 tỷ đồng so với 31/12/2014 và tăng 301 tỷ đồng so với đầu năm. Tất cả các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được bố trí đảm bảo thuận lợi, an toàn.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã biểu dương những kết quả đạt được của chi nhánh trong thời gian qua.Tổng Giám đốc chỉ đạo, trong thời gian tới chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp tham mưu triển khai khoản 6, Điều 4, Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hộ về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, tập trung tham mưu bổ sung nguồn lực ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới và Kết luận số 501-KL/TU ngày 24/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đến cuối năm 2030 tổng dư nợ chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn.
Tổng Giám đốc cũng yêu cầu chi nhánh tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được chuyển tải kịp thời đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ đúng theo quy định. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm xây dựng Phòng giao dịch NHCSXH kiểm mẫu, xã kiểu mẫu, hội, đoàn thể kiểu mẫu…
Tập trung thực hiện tốt các phong trào thi đua khen thưởng định kỳ/đột xuất và tăng cường tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Trước đó, Tổng Giám đốc đã có buổi kiểm tra hoạt động Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Tại đây, Tổng Giám đốc đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân về việc vay vốn tín dụng chính sách xã hội. Tổng Giám đốc đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai tín dụng chính sách xã hội của huyện Trảng Bom nói chung và xã Giang Điền nói riêng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động của NHCSXH.
Đến 31/10/2024 ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 65,8 tỷ đồng, tăng 8,6 tỷ đồng (+15%) so với đầu năm, hoàn thành 122,9% kế hoạch năm. Nguồn vốn tăng trưởng được giải ngân kịp thời đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Đến 31/10/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Trảng Bom đạt 520,7 tỷ đồng với 12.131 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 57 tỷ đồng (+12,3%) so với đầu năm, hoàn thành 99,7% kế hoạch. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn xã Giang Điền đạt 27.986 triệu đồng, tăng 3.890 triệu đồng so với đầu năm, với 579 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Trảng Bom tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó tập trung tham mưu tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, căn cứ đề nghị của địa phương về nhu cầu nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Tổng Giám đốc đã đồng ý phân bổ cho huyện Trảng Bom 20 tỷ đồng để cho người dân vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
CTV Sỹ Cường - Huệ Quyên
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Thoát nghèo, khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi ở Mường Ảng
- » Tín dụng chính sách: “Bệ đỡ” giúp người dân thoát nghèo
- » Nông dân Lào Cai vươn lên khá giả từ nguồn vốn chính sách
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
- » Tín dụng chính sách xã hội đưa Việt Nam thành hình mẫu về giảm nghèo
- » Nguồn vốn chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo bền vững