Tín dụng chính sách xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

28/01/2025
(VBSP News) Đúng như phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững” năm 2024, toàn hệ thống NHCSXH tiếp tục đồng hành, kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và đặc biệt là khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau thiên tai. Hiệu quả của tín dụng chính sách mỗi năm một nâng cao, góp phần tô đậm thêm giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế đi đối với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
ssaaa

Nguồn vốn chính sách đã và đang hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Còn nhớ, cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9/2024 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã kịp thời chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố tập trung ứng phó khẩn cấp với bão, lũ để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, sớm khắc phục hậu quả thiên tai; cử các đoàn công tác đến ngay những địa phương bị ảnh hưởng bão số 3 để chia buồn, thăm hỏi, động viên, tặng quà bà con có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng bởi mưa bão. Đồng thời chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chưa thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3; báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1629/QĐ-TTg về giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay vốn NHCSXH bị ảnh hưởng của bão số 3 và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện.

Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng trưởng thêm 2% dư nợ năm 2024 để bổ sung cho vay nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai, NHCSXH cũng đã kịp thời giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đến chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố để tổ chức thực hiện giải ngân. Kết quả đến nay đã có nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tính đến 31/12/2024 NHCSXH đã cho hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 119.507 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng (+10,8%) so với năm 2023 với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong năm 2024, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 712 nghìn lao động, trong đó hơn 93.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 7.000 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 88,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.143 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…

Tại báo cáo chuyên đề số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024, Đoàn giám sát Quốc hội đã nhận định: “Chính sách tín dụng qua NHCSXH được thực hiện với kết quả cao, là điểm sáng trong các chính sách được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15. Chính sách này đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu, nguyện vọng của người dân”.

Tạo đà cho bước phát triển mới

Không chỉ làm tốt việc triển khai tín dụng, NHCSXH đã chủ động tham mưu chính sách, để tạo nguồn cũng như tăng tính bao phủ tín dụng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững như: Xây dựng, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ kế hoạch đầu tư công năm 2025, trung hạn giai đoạn 2026-2030. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội như: Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có quy định về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH các cấp. Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31/7/2024 về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi; Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư công, Luật ngân sách Nhà nước về nội dung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng ưu đãi khoảng 30.000 tỷ đồng để NHCSXH cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.

Đặc biệt, năm 2024 NHCSXH còn ghi dấu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Là đơn vị đề xuất tham mưu xây dựng Chỉ thị, 10 năm qua NHCSXH đã tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến 31/12/2024 nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 50.681 tỉ đồng chiếm tỷ trọng 13,5% tổng nguồn vốn NHCSXH, riêng năm 2024 tăng 11.506 tỉ đồng. Nguồn vốn nhận ủy thác sang NHCSXH bao gồm vốn ủy thác theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 2.141 tỉ đồng tại 20 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố. Điển hình một số chi nhánh nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương lớn trên 1.000 tỷ đồng kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: TP Hà Nội 8.834 tỉ đồng, TP Hồ Chí Minh: 7.351 tỉ đồng, Bình Dương 2.207 tỉ đồng, TP Đà Nẵng 2.163 tỉ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 1.620 tỉ đồng, Quảng Ninh: 1.502 tỉ đồng, Đồng Nai 1.446 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 1.047 tỉ đồng.

Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 60 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh tham mưu triển khai cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương với số tiền là 248,3 tỉ đồng. Trong đó, có 53 chi nhánh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển riêng nguồn vốn để cho vay người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 205,3 tỉ đồng.

Với những kết quả đạt được năm 2024, trong bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Ngày 30/10/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Một trong những mục tiêu Chỉ thị đặt ra “Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội theo hướng bao trùm, bền vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Chỉ thị này đang được các cấp uỷ, chính quyền các cấp và NHCSXH tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả để sớm đi vào cuộc sống. Đặc biệt, ngày 17/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1069/TTg-KTTH về việc triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã ban hành văn bản số 178-HD/BTGTW ngày 12/12/2024 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW. Ban Kinh tế Trung ương ban hành Công văn số 5391-CV/BKTTW ngày 25/12/2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW.

Theo thông tin từ NHCSXH chỉ hơn hai tháng sau khi Chỉ thị số 39-CT/TW được ban hành, đã có thêm hơn 4.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Những tín hiệu mới này là niềm tin và kỳ vọng năm 2025 tín dụng chính sách xã hội tiếp tục chung tay cùng Đảng, Chính phủ và Ngành ngân hàng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tạo tiền đề người nghèo và đối tượng chính sách cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Minh Nguyễn

Các tin bài khác