
Cán bộ NHCSXH luôn thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Giám đốc chi nhánh Trần Duy Cường cho biết: Tại các điểm giao dịch theo lịch cố định hàng tháng được niêm yết công khai, Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH tổ chức giao dịch cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm. Mọi hoạt động tại điểm giao dịch đều có sự chứng kiến của các hội, đoàn thể nhận ủy thác. Trước các buổi giao dịch, cán bộ NHCSXH phổ biến các quy định, nội quy và trình tự giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi để việc thực hiện được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhất. Cán bộ NHCSXH nỗ lực hết mình để đưa nguồn vốn ưu đãi tới tay hộ nghèo và các gia đình chính sách.
Với đặc thù công việc là thường xuyên tiếp xúc với người dân, nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ NHCSXH luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm hướng dẫn người dân các quy trình, thủ tục, hồ sơ, sổ sách để việc giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Ngoài việc tận tâm hướng dẫn, phục vụ bà con khi giải ngân, mỗi cán bộ NHCSXH còn thường xuyên đến các hộ vay vốn để thăm hỏi, động viên bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, phục vụ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Anh Đinh Văn Hùng (35 tuổi) ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long chia sẻ: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tôi đi làm để lo cho gia đình, còn vợ ở nhà chăm sóc các con còn nhỏ và chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2023, tôi được địa phương hỗ trợ 2 con bò giống. Quá trình phát triển kinh tế, tôi tích cóp được ít nhiều. Sau đó, nhờ cán bộ NHCSXH nhiệt tình hướng dẫn thủ tục, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tận tâm của cán bộ NHCSXH, vợ chồng tôi mạnh dạn vay vốn của NHCSXH 100 triệu đồng để làm ngôi nhà khang trang”.

Cán bộ của NHCSXH thường xuyên đến các hộ vay vốn để thăm hỏi, động viên bà con nhân dân sử dụng vốn vay đúng mục đích, phục vụ phát triển kinh tế gia đình
Gia đình chị Đinh Thị Ngọ ở thôn Gia Ry, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà có đất trồng keo nhưng thiếu vốn nên chưa có điều kiện để phát triển kinh tế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, nhờ sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, và tận tâm hướng dẫn của cán bộ NHCSXH huyện Sơn Hà, chị Ngọ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo. Nhờ đó, đến năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo.
Không dừng lại ở việc thoát nghèo, cùng với số tiền tích góp, chị Ngọ tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiện đàn bò của gia đình chị luôn duy trì 7 - 10 con và hơn 10 con heo thịt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thanh Trung cho biết: Thời gian qua, huyện đã tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho nhiều người có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Giám đốc chi nhánh Trần Duy Cường cho biết: Nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho 36 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn; trong đó trên 10 nghìn hộ cận nghèo, 2,3 nghìn hộ nghèo, 2 nghìn hộ mới thoát nghèo, 7 nghìn lượt người lao động được vay vốn tạo việc làm trong nước, 1 nghìn HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập, 3,2 nghìn hộ SXKD tại vùng khó khăn, 44 người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện xây dựng trên 20 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 28 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Tổng nguồn vốn chính sách đến 31/12/2024 đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 464 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 8,9%. Cụ thể, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về 4.512 tỷ đồng, tăng 244 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 5,7%. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 703 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng. Nguồn vốn cân đối tại địa phương 509 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh 356 tỷ đồng và Ngân sách huyện, thị xã, thành phố 152 tỷ đồng), chiếm 8,96%/tổng nguồn vốn, tăng 142 tỷ đồng.
Bài và ảnh Hải Yến
Các tin bài khác
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW
- » Cảnh báo các chiêu thức lừa đảo tuyển dụng nhân sự Ngân hàng Chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách mang mùa Xuân đến người nghèo miền núi Tân Sơn
- » Tín dụng chính sách tiếp sức phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn
- » Thấu hiểu và tận tâm phục vụ
- » Sóc Trăng tổng kết hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2024
- » Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững tại Kiên Giang
- » Phối hợp hiệu quả, nâng cao hoạt động công tác ủy thác vốn vay chính sách
- » Nâng bước xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên mới
- » Chương trình nâng cao hiểu biết về tài chính: “Hiểu để không bị mắc lừa”