Thấu hiểu và tận tâm phục vụ

20/01/2025
(VBSP News) Năm 2024, chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, chi nhánh thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
image001

Cán bộ NHCSXH huyện Thới Lai thăm mô hình trồng ổi ruột hồng trên địa bàn xã Thới Tân

Hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập 

Theo Giám đốc NHCSXH quận Ô Môn Trịnh Quốc Toàn, năm 2024, ngân sách quận ủy thác sang 2 tỷ đồng để bổ sung cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Doanh số cho vay đạt gần 103 tỷ đồng, với 2.341 hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt gần 454 tye đồng; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,1%. Toàn quận có phường Thới Hòa không nợ quá hạn, không còn hộ nghèo; 10 hội cấp phường không nợ quá hạn, 189/216 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn; 206/216 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt…

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, chị Ngô Thị Kim ở Hòa Thạnh A, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, tuy bận rộn nhưng rất phấn khởi với thu nhập khá từ sạp bán quần áo may sẵn. Chị Kim kể, lúc trước, vợ chồng chị làm ruộng, thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Để tăng thu nhập, chi tiêu gia đình hằng tháng, ngoài việc cho mướn đất canh tác, chồng đi làm hồ, chị Kim chọn nghề mua bán nhỏ. Chị Kim lấy hàng ở TP Hồ Chí Minh và bày bán ở chợ Ô Môn buổi tối. Chị Kim cho biết: “Nhờ được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng, tôi có vốn đặt hàng bán dịp Tết. Từ rằm tháng Chạp “vào mùa” khách hàng mua sắm, tôi bán hàng hơn 10 giờ tối mới về, thu nhập cũng khá”.

Thời điểm này, chị Hà Thị Kim Hừng ở khu Rạch Sung, phường Thới Long, tăng tốc hoàn thành các đơn hàng may gia công kịp giao trước Tết Ất Tỵ. Chị Hừng vui vẻ cho biết: “Tôi làm nghề may gia công hơn 10 năm nay, thu nhập đủ chi tiêu, nuôi 2 con ăn học. Năm 2022, tôi được vay 40 triệu đồng để mua các thiết bị phục vụ gia tăng đơn hàng, đảm bảo tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ mối làm ăn lâu dài. Sắp tới, khi có điều kiện, tôi sẽ mở tổ may gia công, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi trên địa bàn”.

Năm 2024, toàn huyện Thới Lai có 3 xã không nợ quá hạn gồm Xuân Thắng, Thới Thạnh và Thới Tân; 282/300 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt. Nguồn vốn chính sách giúp xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,1%. Nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH huyện trên 7,29 tỷ đồng, tăng hơn 2,1 tỷ đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay đạt trên 148,5 tỷ đồng, với 4.347 hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt trên 570 tỷ đồng; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,08%.

Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Chi nhánh NHCSXH thành phố đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, các mô hình làm ăn hiệu quả, các chủ trương chính sách mới về cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… 

Đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và các quận, huyện đạt trên 780 tỷ đồng, tăng trên 257 tỷ đồng so, với năm 2023. Doanh số cho vay đạt trên 1.166 tỷ đồng, với 26.000 hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt 4.576.4 tỷ đồng, với gần 96 nghìn hộ còn dư nợ; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14%. Toàn thành phố có 13 xã, phường, 7 hội cấp huyện, 134 hội cấp xã không nợ quá hạn; 1.829/2.021 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt; 1.740 Tổ tiết kiệm và vay vốn không nợ quá hạn. 

Nguồn vốn chính sách tạo việc làm cho 10.686 lao động; 2.237 HSSV có chi phí học tập; 12.355 hộ xây dựng và cải tạo 24.456 công trình nước sạch và vệ sinh; 40 người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng; 225 người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở… Tín dụng chính sách giúp nhiều địa phương xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả như: làm tranh gạo, làm bánh tráng; trồng hoa, nấm bào ngư, nhãn, vú sữa, sầu riêng; nuôi ba ba, lươn; các sản phẩm OCOP được đầu tư bằng vốn chính sách như: làm bún, giá sạch, khô, mắm cá tra, sản xuất rượu…

Được sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cán bộ viên chức, người lao động, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai hoạt động tín dụng chính sách năm 2024. Đồng thời, nỗ lực hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2025; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh Anh Phương

Các tin bài khác