Tín dụng chính sách tiếp sức phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn

20/01/2025
(VBSP News) Năm 2024, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có gần 5.500 lượt khách hàng được vay vốn chính sách, với tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên toàn huyện đạt gần 876 tỷ đồng (cao nhất trong số các huyện, thành phố của tỉnh). Nguồn vốn chính sách thực sự đã trở thành động lực quan trọng giúp người dân ven biển Kim Sơn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo và làm giàu.
image001

Một buổi giải ngân nguồn vốn vay tại Điểm giao dịch thị trấn Phát Diệm

Nhân lên những mô hình hiệu quả

Kim Hải là xã bãi ngang của huyện Kim Sơn. Vài năm trở lại đây, diện mạo, cơ sở hạ tầng của xã, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, không ít hộ dân đã đầu tư nuôi trồng thủy sản, khai thác hiệu quả lợi thế ao đầm để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Gia đình ông Trần Văn Tùy ở xóm 5 là một điển hình. Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản nhiều năm, trong đó tôm là con nuôi chủ lực, tuy nhiên thời tiết, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp khiến gia đình ông Tùy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Năm 2020, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, hỗ trợ tiếp cận vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH, ông đầu tư cải tạo ao đầm, đầu tư mua giá thể và con giống chuyển đổi sang sản xuất giống ngao, hàu. Với mô hình mới này, trung bình mỗi năm gia đình thu về gần 200 triệu đồng.

“Gia đình tôi có kinh tế vững vàng như ngày hôm nay chính là nhờ vào nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Với ưu điểm lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài nên nông dân chúng tôi vay vốn không bị quá áp lực, mà tự tin, mạnh dạn để đầu tư sản xuất”, ông Tùy tâm sự.

Gần 10 năm qua, bà Mai Thị Lan ở xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ đã nhiều lần tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH. Ban đầu, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, nhờ vốn vay ưu đãi, bà đầu tư cải tạo vườn cây, ao cá, chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm và thoát nghèo. Năm 2021, bà tiếp tục được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đưa thêm một số giống hoa, cây cảnh, cây ăn quả mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện nay, mỗi năm gia đình bà Lan bỏ túi khoảng 100 triệu đồng từ việc bán cau, ổi và thu hoạch cá dưới ao.

Còn tại thôn Xuân Hồ, xã Xuân Chính, vợ chồng chị Đinh Thị Châm cũng đã có được việc làm, thu nhập ổn định nhờ sự giúp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách. Chị Châm tâm sự: Trước đây, hai vợ chồng chị quanh năm buôn bán nhỏ ngoài chợ, gần Tết thì đi bán đào, quất cảnh, thu nhập bếp bênh. Sau cùng, anh chị bàn bạc, quyết định chuyển sang trồng đào trên diện tích 1 mẫu vườn nhà. Tuy nhiên, để mua một gốc đào cổ từ miền núi đưa về ghép cũng đã mất tiền triệu, trong khi đó vốn liếng của gia đình không đáng là bao. May mắn gia đình chị được Hội Cựu chiến binh xã giới thiệu, hỗ trợ tiếp cận chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, với số vốn vay 100 triệu đồng. Sau 3 năm vất vả, Tết này, lần đầu tiên gia đình chị đã có hơn 300 gốc đào rừng cổ thụ ghép với đào vườn để đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Chính Phạm Ngọc Luyến cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH luôn tiếp thêm động lực để người dân vùng ven biển như chúng tôi mạnh dạn hơn trong sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, nguồn vốn như “sợi dây” giúp các tổ viên gắn kết tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ, trao đổi kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt”.

Đảm bảo các hộ đủ điều kiện đều được vay vốn

image002

Cán bộ NHCSXH huyện Kim Sơn thăm mô hình sản xuất ngao, hàu giống của ông Trần Văn Tùy ở xóm 5, xã Kim Hải

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Kim Sơn Nguyễn Hoàng Nam, với tinh thần phục vụ người dân tốt nhất, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo mục tiêu, kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu được thụ hưởng nguồn vốn chính sách phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đơn vị cũng tích cực tham mưu và giúp việc cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

Với những nỗ lực đó, NHCSXH huyện luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về tổng nguồn vốn, doanh số cho vay, tổng dư nợ… Năm 2024, tổng nguồn vốn trên địa bàn ước đạt trên 876 tỷ đồng, tăng hơn 74 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay đến ngày 31/12/2024 đạt 256 tỷ đồng, với gần 5.500 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2024 đạt 875,6 tỷ đồng, tăng gần 74 tỷ đồng so với đầu năm. Chất lượng tín dụng được nâng cao, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ. Toàn huyện có 16/25 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.

Từ nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ cho gần 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; trên 1.060 lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; giúp gần 350 gia đình có HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; trên 6.200 công trình nước sạch, công trình hợp vệ sinh được đầu tư xây mới, sửa chữa; cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng… Qua đó, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của huyện.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường bổ sung nguồn vốn để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; nâng mức cho vay, đáp ứng vốn phù hợp với quy mô, mô hình sản xuất, kinh doanh để hộ vay đầu tư đạt hiệu quả.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại điểm giao dịch xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Bài và ảnh Nguyễn Lựu

Các tin bài khác