Tín dụng chính sách góp sức phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Bắc Giang

31/12/2024
(VBSP News) Công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội bền vững của tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành quả ấn tượng; trong đó có sự góp sức đáng kể của nguồn vốn chính sách.

Nguồn vốn chính sách giúp người dân Bắc Giang phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững

Nguồn vốn chính sách giúp người dân Bắc Giang phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân 1%/năm. Đến nay, Bắc Giang luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2023 của tỉnh giảm 1,32%/năm. Điển hình là huyện Sơn Động (là 1 trong 64 huyện nghèo nhất của cả nước, từ năm 2020 đến 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm, riêng năm 2023 giảm 5,23%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 4%).

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang chia sẻ: Cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, việc quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn vốn chính sách đã thực sự là “đòn bẩy”, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Việc triển khai giải quyết liệt, đồng bộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tính dụng chính sách xã hội đã tạo bước chuyển động mới cho toàn bộ hoạt động của tín dụng chính sách, góp phần thiết thực đến các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Quốc Quân cho biết: Chi nhánh luôn tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng xã, tạo điều kiện giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn tiếp cận thuận lợi, đầy đủ các dịch vụ của NHCSXH. Trong quá trình hoạt động, chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tại địa phương. Nổi bật là cùng với việc phổ biến, quán triệt sâu rộng, Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tầng lớp trong tỉnh, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 7.816 tỷ đồng, tăng 797 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 353 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến cuối năm 2024 đạt 7.763 tỷ đồng, tăng 758 tỷ đồng so với năm 2023. Thông qua 209 Điểm giao dịch tại 209 xã, phường thị trấn và hệ thống 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản, tổ dân phố với phương châm “giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã”, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 30.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 5.365 lao động; xây mới và sửa chữa 26.406 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua 252 căn nhà ở xã hội; giúp 118 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp cho 1.242 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; giúp 265 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm,..

Người dân nhận nguồn vốn ưu đãi giải ngân tại điểm giao dịch xã

Người dân nhận nguồn vốn ưu đãi giải ngân tại điểm giao dịch xã

Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đạt 1,73% giảm 0,9% so với năm 2023; 159/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã ghi dấu ấn cuôc hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất trung du Bắc Giang. Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp với mạng lưới rộng khắp nên 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Đơn cử gia đình bà Đỗ Thị Hiền, hộ cận nghèo của thôn An Hà, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động. Khởi đầu từ 50 triệu đồng vốn vay thuộc chương trình cho hộ nghèo, bà Hiền đã lựa chọn tham gia dự án trồng cây, đến nay bà có hơn 2.000 cây keo trên diện tích 1,3ha. Cuộc sống đã bớt khó khăn, năm 2023, bà đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Hay, các gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Cẩm, xã Lương Phong, hộ ông Hà Văn Huy ở thôn Đông, xã Đoan Bái( huyện Hiệp Hòa), được vay hàng trăm triệu đồng vốn chính sách mở xưởng làm nghề mộc dân dụng, đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, thoát cảnh nghèo khó, xây được nhà mới khang trang.

Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Bài và ảnh Ngọc Cảnh - Diệu Minh

Các tin bài khác