Vốn chính sách giúp người dân vùng sâu, vùng xa thoát nghèo
Xã Kỳ Hoa có các thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa nên đời sống kinh tế của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Địa hình miền núi, khí hậu khắc nghiệt, người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nguồn thu rất bấp bênh. Đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, NHCSXH TX Kỳ Anh luôn ưu tiên nguồn vốn cho người dân xã với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi.
Giám đốc NHCSXH TX Kỳ Anh Nguyễn Thành Đô cho biết: “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, thời gian qua, chúng tôi luôn nỗ lực, bền bỉ, thực hiện tốt sứ mệnh là “Ngân hàng vì người nghèo”, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa như xã Kỳ Hoa. Đến nay, tổng dư nợ toàn xã đạt gần 55 tỷ đồng với 727 hộ còn dư nợ.
Ông Đặng Văn Bốn ở thôn Hoa Tiến vẫn chưa quên được những ngày gian khó trước đây. Gia đình đông con, chỉ bám víu vào mấy sào lúa, nuôi mấy con gà nên thu nhập ít ỏi, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Vợ chồng ông Bốn cũng không dám mơ đến phát triển kinh tế, xây dựng mô hình bởi không có vốn đầu tư.
“Được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn chương trình hộ nghèo nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp trồng rừng. Đầu tư lứa này nối lứa kia, dần dần gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, từng bước vươn lên. Trong quá trình đó, chúng tôi được NHCSXH đồng hành với các chương trình cho vay thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm nên quy mô ngày được mở rộng. Đến nay, ngoài chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa, gia đình mở rộng diện tích trồng tràm lên 5ha, đầu tư mô hình sản xuất - chế biến cây dược liệu, trừ chi phí mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng”, ông Bốn phấn khởi.
Ngoài ngành nghề truyền thống là trồng trọt, chăn nuôi, người dân vùng sâu, vùng xa thôn Hoa Tiến cũng đã nỗ lực lập nghiệp bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động, NHCSXH TX Kỳ Anh đã thực sự trở thành điểm tựa để người dân mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập. Quyết tâm nối nghề làm mộc người cha để lại song mô hình của anh Nguyễn Quốc Chiến ở thôn Hoa Tiến cũng vẫn mãi quẩn quanh do thiếu vốn sản xuất. Trước đây, cơ sở mộc của anh chỉ sản xuất nhỏ lẻ với các sản phẩm thiết kế đơn giản nên nguồn thu cũng hạn hẹp.
Anh Chiến cho biết: “Tôi cũng đã nghĩ đến vay vốn ngân hàng để đầu tư song không có tài sản đảm bảo nên mọi dự định không thể thực hiện. Sau đó, tìm hiểu thì tôi được biết NHCSXH cho vay tín chấp nên đã đề xuất xin vay vốn. Được tiếp cận các chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, tôi có vốn đầu tư máy móc, nguyên liệu, cập nhật mẫu mã mới nên sản phẩm mộc của gia đình đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, các sản phẩm giường tủ, bàn ghế… của chúng tôi đã được người tiêu dùng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh khá ưa chuộng. Đầu năm nay, chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, thuê 3 công nhân phục vụ dây chuyền, mỗi năm mang về nguồn lợi trên 300 triệu đồng”.
Tại thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa - địa bàn xa trung tâm hành chính, nguồn vốn chính sách cũng đã giúp nhiều hộ dân “có của ăn của để”, góp phần thay đổi căn bản đời sống kinh tế nông thôn. Chị Phạm Thị Hải ở thôn Hoa Sơn cho biết: “Hơn 7 năm trước, gia đình tôi được Hội Nông dân thôn Hoa Tiến đứng ra tín chấp vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Có nguồn lực đầu tư, gia đình mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Từ chỗ nghèo khó, đến nay, chúng tôi đã có kinh tế khá ổn định, có nền tảng nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành”.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa Hoàng Minh Tâm cho biết: “Kỳ Hoa có các thôn xa trung tâm, miền núi nên đời sống người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. NHCSXH với chính sách “đồng hành cùng người nghèo” đã trợ lực cho người dân vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã xây dựng thành công 42 mô hình kinh tế quy mô nhỏ và vừa, thu nhập bình quân tại địa phương đã đạt 56,23 triệu đồng/người/năm.
Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh từ 6,25% (năm 2015) xuống còn 1,18% (năm 2024) và tạo động lực để Kỳ Hoa cán đích xã nông thôn mới nâng cao trong tương lai.
Bài và ảnh Thu Phương - Ngọc Loan
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách điểm tựa cho các hộ nghèo
- » Gia Lai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
- » Nguồn vốn chính sách tạo “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An
- » Một chính sách nhân văn
- » Tuy Hoà thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)