Nguồn vốn chính sách tạo “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An

27/12/2024
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều người dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
ngh an

Chị em ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông vay vốn chính sách duy trì nghề dệt thổ cẩm

Nguồn vốn lớn, hiệu quả cao
Nghệ An là tỉnh có quy mô vốn tín dụng chính sách lớn thứ 3 cả nước. Thời gian qua, thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ 3 chương trình tín dụng ngày đầu hoạt động, đến nay, chi nhánh đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng. Hiện nay, nguồn vốn chính sách vẫn chủ yếu tập trung vào một số chương trình trọng tâm phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Song song với tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng nâng cao, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ và tiếp tục giảm.
Trong năm 2024, chi nhánh đã hỗ trợ cho 74.907 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Theo thống kê, năm 2024 có 25.079 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo nhờ vay vốn, tín dụng chính sách tiếp tục góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Cùng với hoạt động chuyên môn, chi nhánh tốt công tác xã hội, từ thiện. Năm 2024, đã vận động cán bộ, đoàn viên đóng góp trên 1,4 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động từ thiện; xây dựng thêm 10 ngôi nhà tình nghĩa tặng cho người nghèo tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, TP Vinh. Như vậy, giai đoạn 2023 - 2024, chi nhánh đã xây dựng được 31 căn nhà tặng cho người nghèo. Hiện nay, chi nhánh tỉnh tiếp tục được UBND tỉnh phân công giúp đỡ xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu thực hiện thoát nghèo giai đoạn 2022 - 2025.
Chia sẻ về kết quả đạt được, Giám đốc chi nhánh Trần Khắc Hùng cho biết: Nhờ có bước đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, năm 2024, chi nhánh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là, tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; tham mưu cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh trích nguồn ngân sách để ủy thác sang NHCSXH tạo nguồn cho vay các đối tượng chính sách theo đề án đã được phê duyệt (150 tỷ đồng, hoàn thành 300% mục tiêu Trung ương giao); từng bước cụ thể hóa để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Triển khai thực hiện hiệu quả một số chương trình tín dụng ưu đãi mới trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện tốt các chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng dễ tổn thương; thực hiện an sinh và công bằng xã hội. Tập trung đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đơn vị, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tác nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
Cũng trong năm 2024, chi nhánh xây dựng mô hình dân vận khéo kết hợp xây dựng chính quyền vững mạnh thông qua Đề án xây dựng Tổ tiết kiệm và vay vốn gắn với hoạt động cộng đồng tại tất cả 21 huyện, thị, thành phố của toàn tỉnh. Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, NHCSXH đạt được “mục tiêu kép” trong cho vay - thu nợ - thu lãi - thu tiền gửi, đồng thời đảm bảo tính dân chủ - công khai trong cho vay thông qua việc “Dân bàn - dân làm - dân giám sát” mọi hoạt động quản lý vốn vay ở cơ sở.
Mô hình này đã trở thành “diễn đàn” được yêu thích tại thôn/bản, vừa là đơn vị hoạt động tín dụng, hỗ trợ vay vốn, đồng thời là nơi tổ chức, dẫn dắt các hoạt động văn hóa cộng đồng cho người dân. Đến cuối năm 2024, chi nhánh đã xây dựng được 771 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững trên toàn tỉnh.
Tăng cường giải pháp, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra

nan2

Nhờ vốn vay NHCSXH, gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở xóm 5, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương đầu tư xưởng mộc phát triển kinh tế

Tuy vậy, Nghệ An vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cao, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách còn rất lớn, nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình hỗ trợ tạo việc làm; trong khi hiện nay nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương cấp, nguồn lực từ ngân sách địa phương còn hạn chế và chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu các đối tượng chính sách.
Quy mô tín dụng lớn, tốc độ tăng trưởng hàng năm cao song do đặc thù tín dụng chính sách với món vay khá nhỏ, số lượng khách hàng lớn, địa bàn hoạt động rộng, các hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi chủ yếu thực hiện tại xã… Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh diễn ra bất thường ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng vay vốn và kết quả hoạt động tín dụng chính sách.
Mục tiêu năm 2025, chi nhánh tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch về nguồn vốn, đảm bảo thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách phục vụ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng đồng bào DTTS trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương năm 2025 theo chỉ tiêu Trung ương giao là 100 tỷ đồng. Hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ tối thiểu 7%. Tỷ lệ nợ quá hạn không vượt quá tỷ lệ năm 2024 (0,1%).
Để đạt mục tiêu đề ra, chi nhánh sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Đồng thời, khai thác tối đa nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở làm tốt công tác giải ngân và thu nợ: tích cực tham mưu Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc phân bổ kế hoạch nguồn vốn và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn để tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng kịp thời, đúng đối tượng. Thực hiện tốt hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã, tiếp tục nâng chất lượng và hiệu quả của hoạt động giao dịch xã; tăng cường giám sát đảm bảo quy trình, an toàn, chất lượng phục vụ nhân dân…

Bài và ảnh Thu Huyền

Các tin bài khác