Tín dụng chính sách hỗ trợ HSSV Nghệ An đến trường
Tiếp sức đến trường
Một ngày đầu thu, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Chương Thi, sinh năm 1963 - là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Lương Thiện, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương. Trong căn nhà khang trang, ngăn nắp rợp bóng cây ăn quả, chúng tôi được nghe chia sẻ của vợ chồng ông về chặng đường vượt qua khó khăn nuôi các con ăn học, khôn lớn.
10 năm về trước, là gia đình thuần nông, 5 người con đang tuổi ăn học, gia đình ông Nguyễn Chương Thi khó khăn tứ bề. Nguồn thu nhập chính của gia đình từ sản xuất, chăn nuôi, ngoài ra không có thu nhập gì khác, bữa cơm gia đình còn bữa đói, bữa no. Chính vì quá khó khăn nên người con đầu tốt nghiệp 12 là phải đi làm thuê kiếm sống. Thế rồi, nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước về nguồn vốn ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn mà gia đình được vay vốn cho 4 người con học hành đến nơi đến chốn. Nay 5 người con của ông đã thành đạt, kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.
Ông Thi chia sẻ: Năm 2011, con thứ 2 là Nguyễn Thị Huyền Khanh thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Vinh. Với suy nghĩ “kinh tế gia đình khó khăn lấy tiền đâu mà cho con học”, nhưng với sự động viên và được bình xét của tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm, gia đình đã mạnh dạn vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ NHCSXH huyện để đầu tư cho con ăn học. Năm 2015, người con thứ 3 là Nguyễn Thị Hạnh thi đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, Khoa mầm non. Đến năm 2017, con thứ 4 là Nguyễn Thị Trường thi đậu Học viện hậu cần; năm 2019 đứa con thứ 5 là Nguyễn Thị Khánh đậu Trường Đại học Y Dược Đà Nẵng.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn mà các con được đi học, theo đuổi ước mơ của mình, gia đình ông Thi bớt lo toan việc trang trải chi phí học tập, bớt đi gánh nặng trong cuộc sống. Đến nay các con của gia đình ông Thi đều đã trưởng thành và có việc làm ổn định.
Không những được vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn, năm 2016, gia đình ông Thi được NHCSXH huyện Đô Lương hỗ trợ vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 30 triệu đồng. Năm 2022, gia đình tiếp tục được vay vốn chương trình cho vay NS&VSMTNT với số tiền 20 triệu đồng để khoan giếng và nâng cấp sửa chữa nhà vệ sinh. “Hiện gia đình đã trả hết nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo và chương trình NS&VSMTNT; chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn nay đang trả nợ dần, số dư nợ hiện tại còn lại hơn 140 triệu đồng. Từ một gia đình hộ nghèo, nhờ chính sách của Đảng và nhà nước, gia đình đã thoát nghèo, các con tôi được đi học, được theo đuổi ước mơ của mình”, ông Nguyễn Chương Thi bày tỏ.
Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương Lê Quang Hiếu cho biết: Đô Lương là vùng đất có truyền thống hiếu học, trên địa bàn toàn huyện có hàng chục ngàn em học sinh, sinh viên đang theo học. Trong 10 năm (2014 - 2024), NHCSXH huyện đã giải ngân số tiền 110 tỷ đồng/3.782 HSSV có hoàn cảnh khó khăn có tiền trang trải chi phí học tập để đến trường; bình quân 29,07 triệu đồng/HSSV. Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2024 đạt 40,3 tỷ đồng/750 hộ gia đình, bình quân dư nợ 01 hộ gia đình đạt 53,7 triệu đồng.
Nghệ An là tỉnh có dư nợ chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn đứng đầu trong toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh có nhiều huyện có dư nợ chương trình lớn như: Yên Thành 55,6 tỷ đồng, Thanh Chương 43 tỷ đồng, Đô Lương 40 tỷ đồng, Vinh 39 tỷ đồng, Diễn Châu 39 tỷ đồng…
Hiệu quả từ tín dụng chính sách cho vay HSSV
Để không có em HSSV nào phải ngừng học vì không có tiền đóng học phí, từ mức cho vay ban đầu chỉ 800.000 đồng, ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay HSSV lên 4 triệu đồng/tháng, đáp ứng nhu cầu chi phí tối thiểu để các em ăn học.
Chủ trương cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn của Đảng và Nhà nước đã thực sự là “chiếc phao cứu sinh” đối với HSSV nghèo có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong công tác giáo dục và đào tạo. Theo báo cáo, giai đoạn 2014 - 2024, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó, đã giúp 18.918 HSSV là con em gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính do các nguyên nhân khách quan được hỗ trợ tiền để đóng học phí, không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí. Ngoài ra, trong đại dịch Covid-19, có 10.866 HSSV được hỗ trợ vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến.
Nhiều gia đình chia sẻ, với quy định sau khi sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng mới phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên; tiền gốc được trả phân kỳ 6 tháng, tiền lãi trả hàng tháng cũng giúp hộ vay giảm áp lực trong trả nợ cho ngân hàng. Trong quá trình vay vốn cho các con đi học, nhiều gia đình tích góp để trả nợ tại Điểm giao dịch xã và trả lãi, gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn đầy đủ hàng tháng. Bản thân các sinh viên cũng ý thức được ý nghĩa của khoản tiền vay này nên sau khi học xong, cũng phụ giúp gia đình trả nợ cho ngân hàng.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Khắc Hùng cho biết: Tín dụng đối với HSSV thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc, khẳng định chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ, đã tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng xã hội. Chương trình đã góp phần quan trọng trong chính sách phát triển, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây là chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương trong huy động nguồn vốn, tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ. Để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả cao, chính quyền các cấp cần thường xuyên rà soát bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có cơ sở thực hiện nghiêm túc về việc xác nhận các gia đình thuộc diện vay vốn tín dụng HSSV đúng đối tượng, phát huy giá trị tích cực của chương trình.
Bài và ảnh Thu Huyền
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW - “Điểm tựa” trong giảm nghèo bền vững
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: “Kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách tại Trà Vinh
- » Trà Vinh hỗ trợ nước sạch cho 46 hộ dân thị trấn Càng Long
- » Tiếp sức giải bài toán “khát” nước sạch nông thôn
- » Mở rộng chính sách tín dụng cho sinh viên cả nước học tại TP.HCM được vay vốn ưu đãi
- » “Điểm tựa” giúp đồng bào dân tộc ở Cao Bằng thoát nghèo
- » Cơ hội mới cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Hiện thực hóa ước mơ nước sạch của người dân nông thôn
- » Nỗ lực đưa vốn lên vùng cao
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường tiếp cận tri thức