Chỉ thị số 40-CT/TW: “Kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách tại Trà Vinh
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh chú trọng, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh để bổ sung nguồn vốn vay kịp thời cho các đối tượng chính sách, nhờ đó vốn chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó, tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. NHCSXH tập trung huy động được nguồn lực để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW. Đáng chí ý 10 năm qua, Trà Vinh ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cho vay đối với người lao động, HSSV đi học tập, làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giải quyết việc làm; cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách…
Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã ủy thác sang NHCSXH trên 623 tỷ đồng, chiếm 13,6%/tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh (trong đó, ngân sách tỉnh 518 tỷ đồng, chiếm 11,3%; ngân sách cấp huyện 105 tỷ đồng, chiếm 2,3%). Nếu tính riêng từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH trên 585 tỷ đồng, tăng gấp 14,3 lần so với năm 2014.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã hỗ trợ cho vay gần 416.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt trên 8.771 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 4.574 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014, tăng trưởng bình quân 18,7%/năm. Nguồn vốn chính sách đã tạo việc làm cho trên 63.041 lao động, trên 10.501 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 162.748 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng trên 10.500 căn nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách; giúp 145 hộ vay vốn để tự xây và mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện cho 11 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho gần 1.500 lao động,…
Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhận ủy thác và luôn đồng hành với các đối tượng tham gia vay vốn, giúp các hộ vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thực hiện tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng chủ trương, đúng đối tượng… Có thể nói, Chỉ thị số 40-CT/TW triển khai trên địa bàn đã khẳng định vai trò “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách ở địa phương.
10 năm qua, toàn tỉnh giảm được 53.000 hộ nghèo, giảm từ 10,66% (năm 2014) xuống còn 1,19% (năm 2023). Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW hiệu quả là nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, áp dụng hiệu quả phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”. Nơi nào cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chính quyền điều hành hiệu quả, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, tận tâm, nhân dân đồng thuận thì nơi đó sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, tỉnh Trà Vinh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đồng bộ trong triển khai thực hiện, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm cùng với nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, giúp Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Các chương trình tín dụng đóng góp tích vực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ đảng viên trong Đảng bộ xã. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của cấp ủy chính quyền địa phương; tăng cường quản lý vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả và thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Bài và ảnh Trần Trọng Thiết
Các tin bài khác
- » Trà Vinh hỗ trợ nước sạch cho 46 hộ dân thị trấn Càng Long
- » Tiếp sức giải bài toán “khát” nước sạch nông thôn
- » Mở rộng chính sách tín dụng cho sinh viên cả nước học tại TP.HCM được vay vốn ưu đãi
- » “Điểm tựa” giúp đồng bào dân tộc ở Cao Bằng thoát nghèo
- » Cơ hội mới cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Hiện thực hóa ước mơ nước sạch của người dân nông thôn
- » Nỗ lực đưa vốn lên vùng cao
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường tiếp cận tri thức
- » Tuyên Quang: Vốn về vùng khó, nhiều người dân hết nghèo
- » Hiệu quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Cửa Lò